Công nhân suy kiệt, mất trí nhớ vì nhiễm độc thiếc, người có trách nhiệm lại... vô trách nhiệm

Anh Tuấn (VTV Digital)-Thứ hai, ngày 14/12/2020 10:41 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt công nhân Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam ở Hải Dương bị phát hiện nhiễm độc thiếc, thậm chí 1 người đã tử vong. Trong khi đó, công ty lại chối bỏ trách nhiệm.

An toàn vệ sinh lao động là khái niệm từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều người và đã được luật hóa chính thức từ năm 2015. Nếu như an toàn lao động là giải pháp để không xảy ra tai nạn trong quá trình lao động thì vệ sinh lao động là giải pháp để giúp người lao động không bị các bệnh liên quan đến ngành nghề đang làm.

Vấn đề này tuy không mới nhưng sẽ là còn được nhắc đến nhiều, nhất là khi thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy khu công nghiệp.

Điển hình nhất là vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam, ở huyện Thanh Miện, Hải Dương từ tháng 7 năm nay khi hàng loạt công nhân làm việc tại nhà máy này bị phát hiện nhiễm độc thiếc sau thời gian ngắn làm việc tại công ty.

Nhiều công nhân gặp nạn vì nhiễm độc thiếc

Công nhân suy kiệt, mất trí nhớ vì nhiễm độc thiếc, người có trách nhiệm lại... vô trách nhiệm - Ảnh 1.

Một công nhân bị nhiễm độc thiếc đang được điều trị tại bệnh viện.

Từng làm việc 2 tháng tại phân xưởng nghiền nguyên liệu ở công ty TNHH Quảng Phong, với anh Vũ Đình Trượng ở xóm 2, thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, là khoảng thời gian không muốn nhắc đến nữa vì rời cổng công ty anh được đưa thẳng lên giường bệnh.

Nhập viện trong tình trạng mất trí nhớ, suy kiệt sức khỏe, sau gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, anh Trượng đã may mắn được cứu sống. Nhưng môi trường ở phân xưởng nghiền nguyên liệu giờ vẫn là thứ khiến anh cảm thấy sợ.

Anh cho biết sức khỏe càng ngày càng xuống, hít chất độc vào nên người nôn nao, thậm chí còn không nhớ đường về nhà, phải gọi người nhà lên để đưa về.

Còn chị Phạm Thị Bảy (thôn Cẩn Du, xã Châu Xuân, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) kể lại, từ lúc đi vào làm đến ngày thứ 7, sang ngày thứ 8 thì người mệt không ăn được, đau mắt, lở loét hết chân tay, dần dần là cứ lịm đi.

Từ tháng 8 năm nay, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị nội trú cho 9 người và xét nghiệm phát hiện hàng chục công nhân khác làm việc tại Công ty Quảng Phong đều bị nhiễm độc thiếc. Trong đó, có người mới chỉ làm việc được vỏn vẹn 7 ngày.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, mất trí nhớ và xét nghiệm có tình trạng hạ kali máu rất nặng và khi chụp cộng hưởng từ đã có tổn thương chất trắng.

Công nhân suy kiệt, mất trí nhớ vì nhiễm độc thiếc, người có trách nhiệm lại... vô trách nhiệm - Ảnh 2.

Mẹ anh Hảo ở Quỳnh Phụ, Thái Bình đau xót trước sự ra đi của con trai.

Không may mắn như những người khác, anh Hảo, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình đã tử nạn sau 21 ngày làm việc tại phân xưởng nghiền nguyên liệu của nhà máy. 5,4 triệu đồng là số tiền công mà công ty trả sau 21 ngày làm việc. Nhưng giờ, bà Nhạn (mẹ anh Hảo) sẽ không bao giờ được thấy con nữa.

Để có thể hình dung và đánh giá chính xác về tính chất cũng như mức độ của vụ việc nhiễm độc thiếc xảy ra tại Công ty Quảng Phong, phóng viên đã ghi nhận ý kiến của cơ quan y tế từ địa phương đến trung ương. Một điểm chung, theo đánh giá, đây là một sự việc rất nghiêm trọng.

Sau khi sự việc xảy ra, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hải Dương để vào cuộc, điều tra nguyên nhân vụ nhiễm độc thiếc. Theo tất cả các hồ sơ tài liệu mà doanh nghiệp cung cấp, trong quy trình sản xuất không hề có sự xuất hiện của thiếc nên khiến cơ quan y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, những bằng chứng trên cơ thể các nạn nhân và tại dây chuyền sản xuất của công ty đã hé lộ nguyên nhân của vụ nhiễm độc nghiêm trọng này.

Thiếc ở đâu trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp?

Theo kết quả xét nghiệm, nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu của nhiều người lao động đã vượt gấp hàng trăm lần so với mức cho phép. Kết quả xét nghiệm 2 mẫu nguyên liệu lấy tại phòng nghiền của Công ty Quảng Phong cũng có chứa thiếc hữu cơ với nồng độ cao. Đây là những bằng chứng không thể chối cãi để cơ quan y tế kết luận về nguyên nhân vụ hàng loạt công nhân nhiễm độc thiếc xảy ra tại doanh nghiệp này trong thời gian qua.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã tiếp cận sự việc ngay từ ban đầu và thực chất trong các hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện có sử dụng thiếc trong lao động.

Công nhân suy kiệt, mất trí nhớ vì nhiễm độc thiếc, người có trách nhiệm lại... vô trách nhiệm - Ảnh 3.

Môi trường làm việc của công nhân tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam.

Vậy thiếc ở đâu trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp này trong khi theo quy định của Luật Hóa chất, thiếc hữu cơ là một chất độc, bắt buộc doanh nghiệp phải khai báo khi sử dụng để có biện pháp kiểm soát và đảm bảo an toàn cho công nhân.

Bà Lê Thị Dung, người đại diện Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam biện minh rằng vốn dĩ trong thành phần một số phụ gia ngành nhựa thì có một chút, không phải là nhiều lắm và lượng thiếc mà công ty sử dụng đều có công thức được doanh nghiệp… tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm rất nhiều năm nay.

Vậy là đã rõ, thiếc có trong công thức sản xuất của doanh nghiệp nên khi doanh nghiệp giấu nhẹm và không khai báo hóa chất này với cơ quan chức năng, người lao động sẽ lãnh đủ.

Đã 5 tháng trôi qua, kể từ khi vụ nhiễm độc thiếc với hậu quả nghiêm trọng xảy ra, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Thiếc ở đâu trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp này?".

Trong khi chờ kết luận cuối cùng, hiện mới chỉ có duy nhất phân xưởng nghiền nguyên liệu của nhà máy bị dừng hoạt động. Điều đáng lo ngại hơn là theo kết quả xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều công nhân khác không làm việc tại phân xưởng nghiền cũng được phát hiện nhiễm độc thiếc với những mức độ khác nhau.

Công nhân suy kiệt, mất trí nhớ vì nhiễm độc thiếc, người có trách nhiệm lại... vô trách nhiệm - Ảnh 4.

Sau khi sự việc xảy ra, phía UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn gửi các cơ quan ban, ngành ở địa phương yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì thực hiện việc khám sức khỏe cho toàn bộ người lao động đang làm việc tại công ty; giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở LĐ-TB&XH quan trắc môi trường lao động; lấy mẫu phân tích các nguyên liệu; đồng thời đề xuất chính sách cho người lao động. Trong văn bản cũng nêu rõ: "Giao công an tỉnh tiếp tục thu thập thông tin tài liệu, nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì xử lý theo quy định".

Sau tất cả những gì xảy ra, điều mà những công nhân bị nhiễm độc thiếc đang mong chờ nhất là quyền lợi chính đáng của mình từ phía doanh nghiệp thì giờ vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh trong khi thiệt hại về sức khỏe giờ họ vẫn đang hàng ngày phải hứng chịu.

Theo Lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp môi trường - Bộ Y tế, đây là vụ việc điển hình về vi phạm an toàn vệ sinh lao động tại nhà máy khu công nghiệp. Nếu không xử lý nghiêm và thỏa đáng sẽ tạo tiền lệ để các doanh nghiệp coi thường sức khỏe tính mạng của người lao động.

Khi người có trách nhiệm… vô trách nhiệm

Trong biên bản thỏa thuận mà Công ty Quảng Phong tự đặt ra để đảm bảo quyền lợi cho những công nhân bị nhiễm độc thiếc, công ty chỉ hỗ trợ cho người lao động duy nhất tiền viện phí trong quá trình khám và điều trị nhưng kèm theo hàng loạt yêu cầu như sau khi chi trả, 2 bên cũng không còn liên quan đến nhau nữa và người lao động không được khiếu nại tố cáo, thậm chí phải rút hết toàn bộ những đơn thư đã gửi đi từ trước đó.

Anh Vũ Đăng Khoa bức xúc cho rằng công ty đang muốn chối bỏ tất cả sự việc xảy ra với công nhân nên họ không chấp nhận điều khoản công ty đưa ra.

Còn chị Phạm Thị Bảy khẳng định không đồng ý với yêu cầu của công ty vì họ đã quá thiệt thòi rồi. Thêm vào đó, sức khỏe sau này của họ còn bị ảnh hưởng nên họ nhất quyết từ chối thỏa thuận.

Trong khi đó, bà Lê Thị Dung, người đại diện Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam lại "phủi trắng" trách nhiệm với lý giải rằng quan trọng 2 bên chấp nhận số tiền đấy là được, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ, không liên quan đến nhau nữa? Theo bà Dung, các công nhân ấy cũng đã nghỉ việc và họ đang đi điều trị tiếp thì phía công ty cũng không rõ.

Không cần rõ hậu quả về sau thế nào vì thứ mà doanh nghiệp cần nhất trong biên bản thỏa thuận này là làm sao không còn liên quan đến người lao động nữa.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch khẳng định đây là một thỏa thuận trái pháp luật vì xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và cả quy phạm pháp luật liên quan đến quyền khiếu nại tố cáo của công nhân.

Tất cả những công nhân bị nhiễm độc thiếc đều đồng loạt phản đối biên bản thỏa thuận phía doanh nghiệp đưa ra. Lý do bởi chỉ cách đây 5 ngày, họ vẫn phải đứng xếp hàng chờ khám giám định, xác định mức độ ảnh hưởng sức khỏe sau khi bị nhiễm độc.

Trong căn nhà trống hoác, không có một thứ đồ dùng nào có giá trị, tài sản đáng giá nhất với gia đình chị Bảy là sức khỏe nhưng giờ cũng không còn nữa. Chồng bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Còn chị, sau khi bị nhiễm độc thiếc càng khiến cả gia đình phải quay quắt sống với đói nghèo, bệnh tật bủa vây.

2 đợt điều trị bệnh để lại thêm số tiền nợ gần 100 triệu đồng. Vì sức khỏe đã kiệt quệ, không còn lao động để kiếm tiền được nữa đã có lúc chị nghĩ quẩn và không muốn nhắc đến ngày mai. Chị chua xót nói: "Họ không có tí tình người nào cả. Chẳng nghĩ gì đến bệnh nhân, chẳng biết người ta sống chết thế nào".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước