Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận thành công trong phòng, chống dịch đại dịch COIVD-19.
Lần đầu tiên Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô quốc gia, trong điều kiện chưa có tiền lệ và kéo dài gần 3 năm. Đại dịch diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, tác động mạnh đến kinh tế - xã hội. Với cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu, Việt Nam vừa phòng vừa chống dịch vừa sơ kết, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, nhất là trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch
Với sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa biện pháp hành chính và khoa học, Việt Nam đã tổng kết được 3 trụ cột (gồm cách ly, xét nghiệm, điều trị) và triển khai phù hợp công thức phòng, chống dịch "5K+ vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác"; đưa ra chủ trương và thực hiện có hiệu quả Chiến lược vaccine gồm: Quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và tổ chức chiến dịch tiêm chủng miễn phí lớn nhất trong lịch sử.
Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội được phục hồi mạnh mẽ. Kết quả này nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Bài học kinh nghiệm quý báu của Việt Nam là luôn đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; chủ động phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; có phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống; điều hành với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp, sát thực tiễn; các bộ ngành, địa phương phối hợp theo tinh thần trên dưới đồng lòng. Đặc biệt, ngành y tế cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm, góp phần vào thành công chung, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Việt Nam đã huy động được 104.000 tỷ đồng để hỗ trợ 68,67 triệu lượt người và hơn 1,4 triệu người sử dụng lao động trong đại dịch, góp phần khôi phục sản xuất. Đặc biệt, duy trì chuỗi cung ứng lao động trong sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp giúp ổn định, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Bộ Y tế đề xuất chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B vì: Theo Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỉ lệ tử vong giảm mạnh. Thêm nữa, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2. Bệnh đáp ứng các tiêu chí thuộc nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 87.000 ca COVID-19. Tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%, đều là trường hợp có bệnh nền nặng điều trị từ trước, đa số chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Từ đầu tháng 6 đến nay, số ca ghi nhận mỗi ngày đã giảm đáng kể. Tuần qua, trung bình có 200 ca mắc mới mỗi ngày.
Cùng với số mắc giảm, tỷ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện và tỷ lệ nặng còn thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới. Riêng tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao gấp đôi so với trung bình thế giới. Đến nay, tổng số liều vaccine đã tiêm là gần 266 triệu. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt hơn 89%.
Để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, trong thời gian qua đã có nhiều quy định, biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ. Vì thế, khi chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ. Trong đó, chủ yếu là các chính sách cụ thể liên quan đến khám chữa bệnh.
Mắc COVID-19 sẽ không còn được điều trị miễn phí
Người đến khám, điều trị không còn mối lo thường trực lây nhiễm COVID-19. Bác sĩ cũng không còn phải trang bị bảo hộ đặc chủng hay khẩu trang N95 là điều dễ nhận thấy ở bất kỳ cơ sở y tế nào, kể cả bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - nơi luôn căng thẳng nhất mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Nhưng đối với COVID-19, tới đây, khi có quyết định chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì vẫn không có gì thay đổi về phác đồ và phương thức điều trị.
Sự khác biệt chỉ là về chi phí. Với bệnh truyền nhiễm nhóm A, người dân vào cơ sở khám chữa bệnh sẽ được điều trị miễn phí. Còn khi đã là bệnh nhóm B, tất cả không được miễn phí mà thanh toán theo đúng quy định. Người dân có thẻ BHYT sẽ được thanh toán theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ.
Vì COVID-19 là bệnh có tính chất đặc thù nên một số chính sách như vào viện không có bảo hiểm y tế thì chế độ thanh toán như thế nào đang được xem xét để có kế hoạch phù hợp, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân.
Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu vào đầu tháng 5 vừa qua. Nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Sau công bố này, Văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã đưa ra 7 khuyến cáo. Trong đó hàng đầu là: Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh; Đưa tiêm phòng COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia hay tiêm chủng suốt đời.
Trong hơn 3 năm qua, để phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, có quy định nhiều biện pháp chưa có tiền lệ. Khi COVID-19 chuyển sang nhóm B cũng có nghĩa nó trở thành bệnh lưu hành có tính chất đặc thù. Bộ Y tế đang dự thảo kế hoạch kiểm soát chủ động, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 trong tình hình mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!