TP Hồ Chí Minh hướng đến giao thông xanh và bền vững

Sơn Nghĩa-Chủ nhật, ngày 22/12/2024 13:59 GMT+7

VTV.vn - Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vận hành, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra tương lai giao thông xanh, hiện đại, bền vững cho TP Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 22/12/2024, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức đi vào vận hành thương mại. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh, mà còn là biểu tượng của sự chuyển mình vì một tương lai giao thông xanh, hiện đại và bền vững.

Nhiều lợi ích từ Metro

Metro số 1 chính thức hoạt động trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với những thách thức về giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỉ USD do tình trạng ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, khói bụi từ xe cộ gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Trong bài toán tìm lối thoát cho giao thông thành phố, Metro được xem là giải pháp tối ưu nhất

Tuyến Metro số 1 kết nối khu trung tâm Quận 1 với khu đô thị phía đông như Thủ Đức, tạo ra hạ tầng giao thông liên kết giữa trung tâm kinh tế và khu vực cửa ngõ thành phố. Metro đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng, giảm tải giao thông trên Xa lộ Hà Nội và tăng khả năng tiếp cận các khu công nghiệp, trường đại học và trung tâm dịch vụ trong khu vực. Với 14 ga và độ dài gần 19 km, tuyến metro đảm bảo tốc độ cao, rút ngắn thời gian di chuyển từ Bến Thành đến Suối Tiên xuống chỉ còn 29 phút. "Đây là động lực quan trọng không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn khuyến khích sự chuyển dịch từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng. Góp phần giảm đáng kể tình trạng kẹt xe của TP Hồ Chí Minh", ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia đô thị phân tích.

TP Hồ Chí Minh hướng đến giao thông xanh và bền vững - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 kết nối khu trung tâm Quận 1 với khu đô thị phía đông như Thủ Đức, tạo ra một hạ tầng giao thông liên kết giữa trung tâm kinh tế và khu vực cửa ngõ thành phố. Ảnh: Minh Nguyễn

Tuyến Metro số 1 mở ra những cơ hội lớn cho TP Hồ Chí Minh, không chỉ về mặt giao thông mà còn về phát triển kinh tế và đô thị. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, dự kiến Metro sẽ giảm tải khoảng 25-30% lượng phương tiện cá nhân, đồng thời góp phần giảm thiểu 30% tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực. Việc kết nối các khu vực như Thủ Đức, Bình Dương và Biên Hòa với trung tâm thành phố sẽ thúc đẩy giao thương và tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào các khu vực này.

Mới đây, một báo cáo của CBRE cũng cho thấy giá trị bất động sản gần các ga metro đã tăng từ 10-15% trong vòng 3 năm qua. Bên cạnh đó, hệ thống metro cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ như bán lẻ, du lịch và thương mại điện tử, khi ngày càng nhiều người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, giúp giảm tải áp lực cho các tuyến đường bộ.

Kết quả ban đầu cho thấy, tuyến metro đã đem lại những tác động tích cực. Tại khu vực quanh các ga như Thảo Điền hay Bình Thái đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến khai thác các dự án thương mại, dịch vụ. Theo ước tính, trong vòng 5 năm tới, khu vực này có thể từng bước trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa mới. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh các tuyến buýt điện kết nối với metro đã tăng cường độ phủ của hệ thống giao thông công cộng.

Cần khai thác tối đa hiệu quả của Metro

Tuyến Metro số 1 đang mở ra những cơ hội lớn cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để đồng bộ hệ thống giao thông đô thị với metro, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện một số đề xuất cụ thể. Thứ nhất, phát triển hệ thống buýt điện kết nối với các ga metro, đảm bảo việc di chuyển liền mạch từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố. Các tuyến xe buýt này không chỉ phải tuân theo lịch trình chính xác mà còn cần sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, tạo ra các điểm kết nối giữa metro và các phương tiện giao thông khác như xe đạp công cộng, taxi điện, và các dịch vụ chia sẻ xe (ride-hailing). Việc tích hợp các loại phương tiện này vào một hệ thống duy nhất sẽ giúp người dân dễ dàng chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông, tăng cường sự thuận tiện và giảm thiểu thời gian chờ đợi.

TP Hồ Chí Minh hướng đến giao thông xanh và bền vững - Ảnh 2.

Để khai thác metro hiệu quả, thành phố cũng cần tạo ra các không gian công cộng tại các ga metro, nơi người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tiện ích như cửa hàng, văn phòng, khu vui chơi. Ảnh: Minh Nguyễn

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng, TP Hồ Chí Minh có thể triển khai ngay mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) tại ba nhà ga của tuyến Metro số 1. Tuyến Metro số 1 có ba nhà ga với tiềm năng lớn để phát triển mô hình TOD: ga Phước Long, kết hợp với khu vực Trường Thọ; ga Rạch Chiếc, gắn liền với Khu phức hợp thể thao Rạch Chiếc, đẩy mạnh phát triển khu vực phía bắc; và ga Suối Tiên, liên kết với Bến xe Miền Đông mới. Việc quy hoạch và đấu thầu phát triển các khu vực này không chỉ giúp tăng hiệu quả khai thác mà còn tạo động lực phát triển giao thông tại các cửa ngõ trọng điểm của thành phố.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng đề xuất, TP Hồ Chí Minh cần triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý và điều phối các phương tiện giao thông trong thành phố. Các ứng dụng di động có thể được phát triển để cung cấp thông tin thời gian thực về các tuyến metro, xe buýt và tình trạng giao thông, giúp người dân lập kế hoạch hành trình hiệu quả hơn.

Để khai thác metro hiệu quả, thành phố cũng cần tạo ra các không gian công cộng tại các ga metro, nơi người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tiện ích như cửa hàng, văn phòng, khu vui chơi, tạo điều kiện để tăng cường sự thu hút và tiện lợi khi sử dụng metro. Cụ thể, Tp Hồ Chí Minh có thể học tập từ những bài học quý giá của các quốc gia đi trước. Tại Singapore, tuyến MRT không chỉ được xem là phương tiện giao thông, mà còn là trung tâm văn hóa và kinh doanh. Những nhà ga được kết hợp với trung tâm thương mại, khu vui chơi, và các dịch vụ bổ sung đã góp phần đáng kể vào nguồn thu. Tại London, doanh thu từ quảng cáo và cho thuê mặt bằng trong metro lên đến 130 triệu bảng Anh trong năm 2022.

TP Hồ Chí Minh cũng có thể áp dụng những kinh nghiệm đó. Tại Singapore, những tuyến MRT được tích hợp với các trung tâm mua sắm, khu vực vui chơi giải trí, và các dịch vụ khác ngay trong nhà ga, tạo ra những không gian phục hợp thu hút người dân và du khách. Mô hình quảng cáo được khai thác hiệu quả, trong đó doanh thu từ các bảng quảng cáo tại ga và trên các đoàn tàu góp phần đáng kể vào kinh phí vận hành.

Quan trọng nhất, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần có chính sách khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, thông qua các biện pháp như giảm giá vé, hỗ trợ các dịch vụ liên kết và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc sử dụng phương tiện công cộng đối với môi trường và sức khỏe.

Người dân TP Hồ Chí Minh nô nức xếp hàng, trải nghiệm Metro số 1 Người dân TP Hồ Chí Minh nô nức xếp hàng, trải nghiệm Metro số 1 Metro số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành Metro số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành [Infographic] Metro số 1 và những điều hành khách nên biết [Infographic] Metro số 1 và những điều hành khách nên biết

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước