120 người tình nguyện được tiêm thử nghiệm vaccine Covivac
Ngày 21/1, thêm một vaccine phòng ngừa COVID-19 của Việt Nam bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người, đó là vaccine Covivac do công ty IVAC sản xuất.
Việc thử nghiệm lâm sàng do Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp xây dựng và thiết kế đề cương. Đơn vị thực hiện thử nghiệm giai đoạn 1 là trường Đại học Y Hà Nội.
Giai đoạn 1 sẽ lựa chọn 120 người tình nguyện khỏe mạnh độ tuổi từ 18 đến 75 và chia thành 5 nhóm, 1 nhóm sẽ tiêm giả dược để có sự so sánh với 4 nhóm được tiêm vaccine. Mỗi người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày và dự kiến sẽ tiêm vào cuối tháng 2/2021.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện tiêm thử nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Các đối tượng tham gia thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ được thu tuyển tại các xã tham gia của huyện Vũ Thư.
Về tính an toàn trong quá trình thử nghiệm vaccine, GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, tính an toàn được đặt lên hàng đầu, trước tất cả các công việc khác.
"Tiêu chuẩn về an toàn, điều kiện đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu vi sinh quốc gia thông qua. Chúng tôi đã lựa chọn đội ngũ chuyên gia, các y bác sĩ chuyên ngành khác nhau như hồi sức cấp cứu, xét nghiệm đánh giá, điều dưỡng… để đảm bảo chúng ta sàng lọc các đối tượng đánh giá có đầy đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, theo dõi hiệu quả vaccine và có kết quả sau khi kết thúc giai đoạn 1" - GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay.
Covivac dự kiến triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối năm 2021
Vaccine Covivac được phát triển trên dây chuyền sản xuất vaccine cúm mùa đang được lưu hành tại Việt Nam.
Tháng 5 năm ngoái, công ty vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang - IVAC đã tham gia Liên minh phát triển vaccine phòng COVID-19 và được một số các trường Đại học Y tại Mỹ, do tổ chức PATH điều phối và hỗ trợ kỹ thuật.
Đây là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle, gắn gen biểu hiện Protein S của SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Vaccine phòng COVID-19 của viện đã thử nghiệm trên động vật, khẳng định tính an toàn và được được miễn dịch cao.
GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết vaccine đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế là vấn đề rất quan trọng để làm sao chúng ta đánh giá đúng hiệu quả của vaccine. Đại học Y Hà Nội đã được Bộ Y tế thẩm định, cấp chứng chỉ CCP. Đây là điều rất quan trọng, đảm bảo cơ sở đủ điều kiện về mặt khoa học, tính pháp lý của việc triển khai thử nghiệm giai đoạn 1.
Về điều kiện bảo quản, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, điều kiện bảo quản vaccine Covivax là từ 2-8 độ C.
"Tôi nghĩ đây là điều kiện thuận lợi, phù hợp với Việt Nam là nước nhiệt đới nóng ẩm. Việc bảo quản từ 2-8 độ C, thay vì nhiệt độ âm là điều kiện thuận lợi với các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc bảo quản và sử dụng" - GS.TS. Tạ Thành Văn nói.GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết thêm, giai đoạn tiền lâm sàng đã hoàn tất và hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, tiếp theo là giai đoạn 2, giai đoạn 3.
"Dự kiến, chúng ta sẽ triển khai giai đoạn 3 vào cuối năm 2021" - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã chính thức thử nghiệm lâm sàng trên người 2 loại vaccine COVID-19, đó là NANOCOVAX và COVIVAX. Việt Nam thực sự "chạy đua với thời gian" trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine COVID-19.
Được biết song song với đó, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nếu thuận lợi, phải đến quý II năm sau, mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine COVID-19. Do đó, mọi công tác và ý thức phòng chống dịch bệnh vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu, người dân không nên chủ quan lơ là.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!