Bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật và tiêm huyết thanh kháng dại, phòng uốn ván và phòng dại.
Ngày 11/4, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho cụ bà 68 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội, bị chó nhà hàng xóm tấn công.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, vào ngày 9/3, cụ bà đang quét ngõ thì bất ngờ chó nhà hàng xóm nặng hơn 20kg lao ra tấn công. "Chó quá hung dữ, liên tục cắn vào vùng mặt và tay, chân. Đặc biệt gây nhiều vết thương vùng mặt", người nhà bệnh nhân cho hay.
Gia đình đã đưa bà đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu, sau đó chuyển đến Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống để phẫu thuật.
Là người tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ Giang An, Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống chia sẻ, đơn vị tiếp nhận người bệnh trong tình trạng bị chó cắn vào vùng mặt. Tất cả các vết thương đều hở, chảy nhiều máu. Tại vùng miệng rách toàn bộ môi dưới thông lên khoang miệng. Trên vùng mắt có vết thương mi dưới mắt trái rách xuống cánh mũi, lộ xương. Vì vết thương rất lớn nên các y bác sỹ phải khâu gần 70 mũi.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, có 16/63 tỉnh, thành có ca bệnh dại trên người. Trong đó, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tăng đột biến, hiện đang cao nhất cả nước với 9 ca.
Bệnh dại là bệnh tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người; trung bình có 70 ca tử vong mỗi năm dù đã có vaccine cho cả người và động vật. 60/63 tỉnh, thành có dại trong 10 năm gần đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!