Trước đó, VTV News đã phản ánh về việc 40 lao động đã đóng tiền đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản nhưng sau gần 2 năm, các lao động này vẫn chưa đi được và phía công ty cũng chưa trả lại tiền. Họ đều là những cử nhân tốt nghiệp, mỗi người đã nộp khoản phí từ 50-100 triệu đồng cho công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Mika có địa chỉ tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Được biết, Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Mika là bà Phạm Thị Muôn, người đại diện pháp luật là ông Trịnh Quang Lâm. Công ty đăng tuyển lao động đi Nhật Bản với mức phí 3.000 - 8.000 USD, người lao động đóng thành hai đợt. Đợt 1 khi hồ sơ được công ty tiếp nhận, đợt 2 khi được phía công ty Nhật Bản nhận vào làm.
Nhiều lao động tìm đến công ty để đòi lại tiền nhưng công ty đã chuyển đi nơi khác.
Các lao động đều nộp tiền đợt 1 đến nay công ty vẫn không thực hiện như cam kết và hiện công ty đã đóng cửa. Không chỉ người lao động mà cả những môi giới làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này nhận làm trung gian tuyển lao động cho công ty cũng bị thiệt hại
Một môi giới tuyển dụng lao động cho biết: "Tôi làm việc này nhiều năm, anh em có hội nhóm. Khi công ty đăng đơn tuyển, mình thấy phù hợp với lao động của mình. Thực sự bức xúc nếu không làm được cho người lao động thì phải trả lại tiền".
Tháng 3 năm nay, người lao động gửi đơn trình báo đến công an quận Long Biên. Đến nay, công an đã nhận 31 đơn tố giác. Công an cũng đã làm việc với một đại diện của công ty.
Theo khai nhận ban đầu, công ty đã từng đưa được người lao động sang Nhật Bản do có liên kết với một người Việt bên đó. Tuy nhiên, từ tháng 3 vừa qua, người này đã bị cơ quan chức năng Nhật bắt giữ vì buôn lậu và cho người nhập cảnh trái phép. Về phía công ty tại Việt Nam, một người chủ chốt trong công ty có dấu hiệu bỏ trốn.
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công ty Mika không có giấy phép đưa người đi lao động ở nước ngoài. Cơ quan này đã có văn bản gửi Cục An ninh Nội bộ, Bộ Công an để xử lý vi phạm của công ty này.
Về hoạt động của công ty trên địa bàn quận Long Biên trong thời gian dài từ tháng 3/2018, cơ quan chức năng không phát hiện và xử lý. Theo thông tin từ người lao động, vẫn còn những nạn nhân chưa làm đơn tố cáo, họ là các nạn nhân ở các tỉnh phía Nam và miền Tây. Hiện tổng số tiền họ nộp cho công ty này là hơn 3 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!