Mùa nước lũ chỉ còn là ký ức
Đồng ruộng im lìm, sinh kế mùa lũ cũng vì thế mà dần cạn. Những năm trước đây, nếu ở thời điểm này đã là đỉnh lũ của ĐBSCL thì nay vẫn chưa thấy nước về.
Theo quy luật thường lệ, người nhiều kinh nghiệm có thể dự báo được nước lên bao nhiêu, lũ cao hay thấp nhưng hiện nay, điều này gần như không thể do quy luật con nước đã bị đảo lộn, thời tiết trở nên thất thường hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của việc ngăn dòng chảy để làm thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Mùa nước lũ vốn là đặc trưng của khu vực đồng bằng, nay sắp trở thành ký ức.
Lũ được xem là một phần của hệ sinh thái của đồng bằng, lũ không phải là thiên tai, bởi ở đây lũ hiền hòa và tạo sinh kế phong phú cho người dân vùng đầu nguồn ĐBSCL. Mọi thói quen, tập quán vốn đều nương theo để sống chung với lũ.
Những khu vực đầu nguồn cũng trở nên vắng vẻ tiếng xuồng ghe, í ới gọi nhau rộn đồng để mưu sinh mà giờ chỉ còn đâu đó cảnh người dân ngồi tán gẫu để giết thời gian.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới báo động 1) và xuất hiện muộn vào giữa tháng 10 và sẽ giảm nhanh sau đó.
Tổng lượng dòng chảy qua hai trạm đầu nguồn trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% so với hàng năm. Như vậy, năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cuộc sống khi thiếu lũ
Miền sông nước không còn cảnh chài lưới nhộn nhịp.
Mùa nước lũ dự báo là thấp nhất trong vòng 10 năm qua sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, dự báo tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm vào đầu tháng 12 và gay gắt hơn. Tuy nhiên, trước mắt, không có lũ, sinh kế của những người dân vốn sống nương theo mùa nước cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cụm tuyến dân cư vượt lũ, người dân nơi đây vốn sống chủ yếu bằng nghề chài lưới nhưng những năm gần đây, lũ thấp, thất thường, sinh kế ấy cũng dần mất, không còn cách nào họ đành chọn hướng ly hương, nhiều căn nhà dần trở nên hoang lạnh.
Dụng cụ chài lưới "nằm im" vì thiếu lũ.
Sinh kế ngày càng khó khăn, việc đi Bình Dương, có lẽ không còn là câu nói vui mà đối với nhiều người dân, vùng rốn lũ có lẽ là lựa chọn khả thi nhất với hi vọng cuộc sống sẽ bớt phần khó khăn.
Không có lũ, việc sản xuất cho vụ mùa tới cho hàng ngàn ha cũng trở nên đáng lo hơn. Bởi lũ không về, không có phù sa, lũ không về cũng khiến chuột bọ, sâu rầy tấn công đồng ruộng mạnh mẽ hơn.
Ở thời điểm này của những năm trước đã là đỉnh lũ, nghĩa là những cánh đồng đã tràn ngập nước, giúp người nông dân giảm bớt chi phí sản xuất vì lũ giúp vệ sinh đồng ruộng còn năm nay, nước vẫn chưa về đồng nghĩa với việc vụ mùa tới việc sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thích nghi với cuộc sống mới
Trong khi người chọn ly hương, người chọn tiếp tục chờ mùa nước thì nhiều người dân khác cũng đã sẵn sàng thay đổi tư duy trông chờ vào "chim trời cá nước", không giao phó sinh kế cho thiên nhiên mà chủ động tìm cách thay đổi để thích nghi.
Chuyển đổi mô hình sản xuất để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Ngay từ sau vụ mùa, anh Vương đã đầu tư nuôi 1.000 con vịt trên đồng để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Năm nay nước không lên nên ông cũng đã chủ động bơm nước vào ruộng từ thời điểm này để bảo vệ đàn cá trong ruộng. Cũng bằng cách này, nhiều nông dân ở đây vẫn kiếm sống được dù không có lũ như chuyển hướng sang nuôi ếch, nuôi lươn…
Với diễn biến khi hậu thất thường, lũ không về như hiện nay, việc canh tác lúa đơn thuần không thuận lợi, nhiều người dân đã chủ động thay đổi sản xuất.
Vậy là sau những năm tháng mưu sinh cùng dòng nước lũ thì nay, người nông dân ĐBSCL có lẽ phải tạm gác lại việc đan lợp đặt cua, giăng cá để tìm cách sản xuất chủ động hơn trong điều kiện biến đổi của thời tiết. Đây có lẽ sẽ là điều mà họ sớm muộn cũng sẽ phải đối mặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!