Cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh "rút ruột" 9.000 tỷ đồng như thế nào?

Nguyễn Sơn (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 18/07/2016 19:25 GMT+7

Nguyên Chủ tịch HĐQT VNBC Phạm Công Danh hầu tòa vào ngày 19/7 tới vì gây thiệt hại cho VNBC 9.000 tỷ đồng. (Ảnh: dantri.com.vn)

VTV.vn - Chỉ trong một thời gian ngắn, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã lập nhiều bộ hồ sơ khống để rút một khoản tiền khổng lồ và gây thiệt hại cho VNBC 9.000 tỷ đồng.

Theo dự kiến, ngày 19/7, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9000 tỷ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Đây là 1 trong 8 vụ án nghiêm trọng gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước.

Sau khi được tái cấu trúc vào tháng 9/2012, Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với dàn lãnh đạo mới đến từ Tập đoàn Thiên Thanh. Kể từ đó, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên của Ngân hàng này phải được Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước tại đây chấp thuận.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã lập nhiều bộ hồ sơ khống để rút một khoản tiền khổng lồ và gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án còn có hơn 30 bị cáo nguyên là cán bộ VNCB và lãnh đạo, nhân viên nhiều công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các công ty đối tác của VNCB.

Phần lớn hồ sơ được lập khống để vay tiền với số tiền cực lớn nên khó có khả năng thu hồi.

Phạm Công Danh và các bị cáo gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng chỉ là kết quả điều tra giai đoạn 1. Số tiền gây thiệt hại trong vụ án này có thể còn lớn hơn, bởi song song với công tác xét xử, Cơ quan điều tra, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ mọi hành vi phạm tội của các đối tượng.

Cụ thể, khoảng tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp khác tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát.

Giữa năm 2013 và đầu 2014, ông Danh chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.

Cáo trạng thể hiện, từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2013, ông Danh chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB. Trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Chủ tịch Danh.

Có tiền, ông Danh chuyển trả Bích hơn 9.600 tỷ đồng để tất toán các khoản vay trước đó, trả cho nhóm Phú Mỹ hơn 2.000 tỷ đồng, hơn 4.500 tỷ còn lại chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để trả nợ, đảo nợ.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay này đã xong thủ tục tất toán. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày cuối tháng 8/2013, số tiền gần 5.200 tỷ đồng đã bị rút khỏi VNCB từ tài khoản của Bích nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này sau đó được chuyển đến tài khoản của chủ tịch Danh và ông rút ra để chi tiêu nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì.

Vào tháng 5/2013, dù báo cáo tài chính năm 2012 không có lãi, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng ông Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu. Sau đó bán 1.000 trái phiếu cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, ông Danh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng để đầu tư mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh từ nguồn tiền của ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.

Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, cần tiền trả nợ cho các cá nhân và ngân hàng khác, Danh đã chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống; lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB.

Danh chỉ đạo cho 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút 4.700 tỷ đồng tiền vay để trả nợ cho Ngân hàng BIDV, nhóm Phũ Mỹ, nhóm của Trần Ngọc Bích. Số còn lại hơn 1.465 tỷ đồng Danh khai chi cho việc chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.

Sau khi thẩm định lại giá trị hai lô đất mà Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỷ đồng và cấn trừ, VNCB xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ.

Như vậy, tổng cộng trong vụ án này, Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng Việt Nam.

(Theo VnExpress, Dân trí, VOV)

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước