Mục tiêu của chương trình là để những người dân từ nông thôn đến thành thị đều được mua những mặt hàng do Việt Nam sản xuất với mức giá hợp lý, trong đó có những công nhân - đối tượng có mức thu nhập trung bình và thường tập trung số lượng lớn tại các khu công nghiệp.
Hà Nam là một trong những địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai mô hình này tại khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam). Là 1 trong 20.000 công nhân tại khu công nghiệp Đồng Văn, anh Nguyễn Văn Học thường đến điểm bán hàng Việt ổn định để mua sữa cho con. Theo anh Học, tại điểm bán hàng Việt này, anh và nhiều công nhân ở khu công nghiệp đã có thêm cơ hội mua hàng với mức giá rẻ hơn và số lượng hàng hóa phong phú hơn trước.
Theo đại diện Bộ Công Thương, sau một thời gian triển khai, đến nay, số lượng các điểm bán hàng Việt ổn định ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp phân phối cũng đã có những mục tiêu để hàng Việt ngày càng đến với nhiều người tiêu dùng Việt hơn nữa.
Với những thành công bước đầu trong triển khai điểm bán hàng Việt ổn định, ngành công thương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ đạt các tiêu chí về hàng Việt như: Tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% ở các tỉnh, thành phố triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam".
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.