Đái tháo đường thai kỳ, mối nguy hại tiềm ẩn cho mẹ và bé

P.V-Thứ tư, ngày 19/04/2023 17:24 GMT+7

VTV.vn - Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý mà bất kỳ thai phụ nào cũng có thể gặp phải khi mang thai.

Trường hợp thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ nhưng không được điều trị đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ và con.

Vào tối 18/4 vừa qua, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam cùng Báo điện tử VnExpress tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến về chủ đề "Đái tháo đường thai kỳ". Chương trình có tham gia của các chuyên gia đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước - Trưởng khoa Nội tiết và TTND.PGS.TS Lưu Thị Hồng - Phó giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ năm 2021 tại Việt Nam tăng lên 21,8%, cao hơn khoảng 5 lần so với giai đoạn 2001 - 2004, tức là cứ 7 phụ nữ mang thai lại có 1 người mắc bệnh. TTND.PGS.TS Lưu Thị Hồng - Phó giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết hiện nay, với xu thế phát triển cùng nhu cầu ăn uống thay đổi, các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa nói chung và đái tháo đường nói riêng đang ngày càng gia tăng. Với phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi về nội tiết và hormone sẽ dễ mắc bệnh lý đái tháo đường thai kỳ. Một số trường hợp thai phụ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này như: béo phì, tăng cân nhiều trong quá trình mang thai, đã có các rối loạn chuyển hóa trước đó hoặc trong gia đình có người mắc đái tháo đường…

Đái tháo đường thai kỳ, mối nguy hại tiềm ẩn cho mẹ và bé - Ảnh 1.

TTND.PGS.TS Lưu Thị Hồng - Phó giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Để đạt được mục tiêu điều trị đái tháo đường thai kỳ tốt nhất, TƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước - Trưởng khoa Nội tiết, BVĐK Tâm Anh Hà Nội đã chia sẻ cần có hai yếu tố quan trọng: Đưa đường huyết về mức độ thấp theo yêu cầu và đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé. Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong điều trị thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và mẹ bầu mắc bệnh.

Mở đầu chương trình, một mẹ bầu thắc mắc có trường hợp nào đã test tiểu đường thai kỳ âm tính rồi nhưng vẫn có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ không. Khán giả thực hiện kiểm tra tiểu đường thai kì khi 24 tuần và kết quả bình thường, nhưng hiện tại thai được 29 tuần có dấu hiệu tăng cân nhanh, đi tiểu đêm nhiều hơn, cơ thể cũng mệt mỏi thì liệu có phải là dấu hiệu mắc đái tháo đường thai kỳ không? Đối với trường hợp này, bác sĩ Kim Ước cho biết, vẫn có khả năng thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ. Một số trường hợp mẹ bầu khám lâm sàng nghi ngờ mắc đái tháo đường thai kỳ, tuy nhiên có thể do thực hiện xét nghiệm hơi sớm nên bệnh chưa xuất hiện rõ ràng nên chưa phát hiện ra bệnh. Bác sĩ Kim Ước khuyên rằng nên đi thực hiện sàng lọc đái tháo đường thai kỳ lại để có được kết quả chính xác nhất. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo trong trường hợp mẹ bầu có các dấu hiệu lâm sàng nhưng khi sàng lọc thì kết quả xét nghiệm chưa xuất hiện bệnh thì vẫn không nên chủ quan mà ăn uống thiếu điều độ. Mẹ bầu nên thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, tránh ăn nhiều đồ ngọt, dầu mỡ để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.

Trường hợp khác, khán giả thắc mắc về hai khái niệm "đái tháo đường thai kỳ" và "đái tháo đường mang thai" có gì khác nhau hay không? Bác sĩ Kim Ước giải đáp một cách dễ hiểu như sau: "Đái tháo đường thai kỳ" là tình trạng tăng đường máu trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên mức đường máu tăng không vượt ngưỡng của bệnh đái tháo đường thực sự. Cụ thể, các chỉ số khi mắc đái tháo đường thực sự: đường máu lúc đói ≥ 7 mmol/l, đường máu sau khi làm nghiệm pháp dung nạp đường 2 giờ là >11,11 mmol/l, đường máu ngẫu nhiên > 11,1mmol/l hoặc đo lượng HbA1c ≥ 6.5%. Còn "đái tháo đường mang thai"là trường hợp đạt đến ngưỡng của các chỉ số đo đái tháo đường thực sự. Hay nói cách khác đái tháo đường thai kỳ là mức độ nhẹ hơn so với đái tháo đường mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ, mối nguy hại tiềm ẩn cho mẹ và bé - Ảnh 2.

TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước - Trưởng khoa Nội tiết, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Trong chương trình, TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước cũng đồng thời chỉ ra những quan điểm sai lầm mà các mẹ bầu thường mắc phải trong quá trình điều trị đái tháo đường thai kỳ. Điển hình như nhiều mẹ bầu lo lắng sợ dùng insulin điều trị đái tháo đường thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến con và ngại sử dụng. Thực tế, insulin hoàn toàn không gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi như nhiều mẹ bầu lầm tưởng. Nếu không sử dụng insulin theo chỉ định của bác sĩ có nguy cơ dẫn đến tình trạng đường máu cao kéo dài, gây ra các thay đổi về cân nặng và sự phát triển của em bé. Ngoài ra, có một số quan điểm cho rằng nếu dùng insulin sẽ bị phụ thuộc và phải sử dụng suốt đời thì đó là quan điểm sai lầm.

Một mẹ bầu đưa ra câu hỏi: "Em bị chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ từ tuần 26. Hiện tại, em được 34 tuần, theo dõi đường huyết vẫn tạm ổn, con em được 2,5kg. Em nghe nói thai sẽ tăng nhanh trong những tuần cuối thai kỳ thì liệu em có đẻ thường được không ạ?". Bác sĩ Lưu Thị Hồng chia sẻ để xác định được mẹ có sinh thường được hay không sẽ cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng của mẹ và con vào giai đoạn từ 37 tuần trở đi, ngôi của thai nhi, tình trạng vỡ ối…. Chính vì vậy, mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi, quản lý thai tại cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ đưa ra tiên lượng và tư vấn chính xác nhất.

Về chế độ ăn uống đối với các mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ, đã có nhiều khán giả quan tâm đưa ra câu hỏi là có nhất thiết phải cắt giảm hoàn toàn tinh bột hay không? Theo bác sĩ Kim Ước, mẹ bị đái tháo đường thai kỳ không nên hạn chế quá mức tinh bột, bởi cơ thể vẫn cần tạo ra năng lượng cung cấp cho mẹ và bé. Mà tinh bột là yếu tố tạo ra đường và từ đó sinh ra năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể. Trong trường hợp không cung cấp đủ đường, cơ thể sẽ thực hiện đốt các khối mỡ để tạo ra năng lượng và đồng thời sản sinh ra thể ceton. Nếu thể ceton ở mức độ cao trong máu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh của em bé.

Kết thúc chương trình, các bác sĩ nhấn mạnh những mẹ bầu xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của bệnh đái tháo đường thai kỳ thì nên đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện nghiệm pháp đo đường huyết. Đồng thời, các mẹ đã mắc đái tháo đường thai kỳ thì cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, nên kết hợp vận động nhẹ nhàng. Trong trường hợp cần sử dụng insulin để kiểm soát mức đường huyết thì mẹ nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh áp dụng các quan điểm sai lầm dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước