Đảm bảo mức sống cho người có công là nhiệm vụ cấp thiết của Đảng và nhà nước

Quang Linh, Quang Phồn, Thanh Hoàng, Văn Lương-Thứ hai, ngày 24/07/2023 20:51 GMT+7

VTV.vn - Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người có công luôn ở vị trí đầu tiên trong thực hiện các chính sách an sinh của Đảng và nhà nước ta.

Nhiều chính sách đặc thù chăm sóc người có công

Cả nước hiện có hơn 9 triệu người có công, việc đảm bảo mức sống cho người có công là một nhiệm vụ cấp thiết của Đảng và nhà nước. Nhiều địa phương có những sáng kiến bằng những mô hình kinh tế thiết thực.

Những ngày tháng 7, mỗi người Việt Nam lại hướng về các thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc. Thời điểm này, trên khắp cả nước, các địa phương đều có những hoạt động thiết thực hướng tới các gia đình có công, thân nhân của các gia đình liệt sĩ. Đây chính là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Đảm bảo mức sống cho người có công là nhiệm vụ cấp thiết của Đảng và nhà nước - Ảnh 1.

Những năm qua, bên cạnh các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều địa phương còn trích ngân sách và có chính sách đặc thù cho người có công sinh sống trên địa bàn.

Là thương binh hạng 1/4, một mắt hỏng cùng nhiều thương tích còn lại trên thân thể sau những năm chiến đấu chống Mỹ ác liệt, trở về quê hương, ông Nguyễn Trọng Thành vui vì luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng những chính sách thiết thực.

Năm nay đã 82 tuổi, anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Nguyễn Viết Sinh vẫn được nhiều người nhớ đến với kỷ lục mang hơn 55 tấn hàng ra mặt trận. Quãng đường mà ông đi qua có tổng chiều dài 41.025 km trong 1.089 ngày. Không chỉ bản thân mà con cháu của ông cũng được hưởng một số chính sách của thân nhân người có công, như cháu của ông được miễn giảm học phí.

Tại Nghệ An, những người có công như ông Sinh, ông Thành, ngoài hưởng chính sách chung của Nhà nước còn được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh, cao hơn mức quy định của nhà nước.

Chính quyền địa phương đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tham gia đóng góp để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, nhận con em người có công vào làm việc. Nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực cũng được triển khai để đền đáp người có công.

Cả xã hội thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa

Cùng với nhà nước, việc kêu gọi xã hội hóa đã giúp cho nhiều thân nhân, nhiều gia đình của các thương binh , liệt sĩ được hỗ trợ kịp thời.

Tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: "Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên đầy đủ và tốt đẹp hơn".

Trải qua các cuộc chiến tranh, cả nước có 9,2 triệu người có công trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140 nghìn mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 800.000 thương binh bệnh binh, hơn 320.000 người nhiễm chất độc hóa học, nhiều người có công giúp đỡ cách mạng, nhiều người có con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học....

Đảm bảo mức sống cho người có công là nhiệm vụ cấp thiết của Đảng và nhà nước - Ảnh 2.

Có hơn 1,2 triệu người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí lên tới hơn 31.000 tỷ đồng một năm.

Từ ngày 1/7 năm nay, mức trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng từ hơn 1,6 triệu đồng/tháng lên thành trên 2 triệu đồng/tháng, tăng hơn 25%. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Điều đó cho thấy dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người có công luôn ở vị trí đầu tiên trong thực hiện các chính sách an sinh của Đảng và nhà nước ta. Những chính sách này mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng với người có công, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại.

Đảm bảo mức sống cho người có công

Bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương là yêu cầu đặt ra với các địa phương trong công tác chăm lo cho người có công.

Nhiều địa phương còn đề ra mục tiêu rõ ràng là tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình người có công phát triển kinh tế, không có gia đình nằm trong diện hộ nghèo hay cận nghèo. Có nghĩa là không chỉ dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước hàng tháng, mà mỗi người có công tự vươn lên bằng sức của mình với những mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Đảm bảo mức sống cho người có công là nhiệm vụ cấp thiết của Đảng và nhà nước - Ảnh 3.

Khoảng đồi hoang năm nào giờ đã thành vườn keo 5ha và 4 ao cá. Những cơn đau nhức sau 2 lần bị thương ở chiến trường Campuchia không cản được nỗ lực thoát nghèo của thương binh Bùi Văn Ẹm. Ông là 1 trong những hộ đầu tiên ở xã xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình, vay vốn chính sách thoát nghèo. Thu nhập hàng năm đủ 2 vợ chồng ông sống tốt và dư dả hỗ trợ các con cháu.

Hàng chục nghìn người có công và gia đình tại tỉnh Hòa Bình luôn được ưu tiên trong các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của địa phương, đặc biệt là được nhận vốn chính sách để phát triển kinh tế.

Mỗi đối tượng đều nhận được sự trợ giúp phù hợp hoàn cảnh. Có người con duy nhất lại hi sinh, bà Thiện được hưởng trợ cấp người có công. Không chỉ thế, địa phương còn cho bà vay 50 triệu đồng vốn chính sách để sửa lại nhà cũ thành 16 phòng trọ cho thuê, mỗi tháng thêm khoảng 10 triệu thu nhập.

Cả nước hiện còn gần 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Gần 100% hộ gia đình có thành viên là người có công đã có cuộc sống bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước