Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp và từ những trang sách giáo khoa, câu chuyện Anh hùng La Văn Cầu, người đã dũng cảm nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay rồi nén đau thương tiếp tục chiến đấu đã trở thành huyền thoại.
Anh hùng La Văn Cầu: Nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay, nén đau để tiếp tục chiến đấu
Sớm mồ côi cha từ nhỏ do bị thực dân Pháp bóc lột, năm 1948, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, chàng trai La Văn Cầu khi ấy mới 16 tuổi nhưng đã xung phong lên đường đánh giặc.
"Lúc bấy giờ, tôi còn non trẻ nhưng ý chí căm thù của tôi thì ngút trời. Quyết chí lên đường trả thù nhà, đền nợ nước", Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu nói.
Tháng 9/1950, quân ta mở trận đánh cứ điểm Đông Khê. Chiến sĩ La Văn Cầu cùng đồng đội nhận nhiệm vụ phá hàng rào và lô cốt, mở đường cho quân ta tiến lên tiêu diệt quân địch. Trong lúc làm nhiệm vụ, cánh tay phải và một bên má của ông đã trúng đạn.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu cho biết: "Cánh tay của tôi lủng lẳng rồi, rất là vướng. Tôi chỉ còn cách là chặt đi, nhưng bản thân mình chặt không được nên tôi nhờ đồng chí Tiểu đội trưởng Nông Văn Pheo chặt giúp. Ban đầu, đồng chí Nông Văn Pheo bảo không được, cậu về thôi để người khác làm vì đồng chí biết tôi là con một. Nhưng tôi đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Trái tim còn đập còn chiến đấu".
Chiến công của chiến sĩ trẻ La Văn Cầu khi ấy trở thành một hiện tượng, một tấm gương sáng. La Văn Cầu được Bác Hồ khen. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, ông được vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Trở về cuộc sống thời bình khi chỉ còn một cánh tay, vết thương ấy lại là điều tự hào của ông bởi nó nhắc nhớ đến một thời anh dũng và kiên cường vì nền độc lập của dân tộc.
Nữ anh hùng tải đạn Ngô Thị Tuyển
Bà Ngô Thị Tuyển đã đi vào sử sách và nổi danh toàn thế giới với tên gọi "nữ anh hùng tải đạn" bởi khả năng vượt quá giới hạn bình thường của con người. Đi qua chiến tranh, đến tận bây giờ, Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển vẫn tin sức mạnh khi đó mình có được chính là từ lòng yêu nước.
Đầu tháng 4/1965, đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay đánh bom ồ ạt, ác liệt xuống cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa nhằm phá con đường huyết mạch chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Bà Tuyển khi đó là một nữ dân quân mới chỉ 19 tuổi.
"Tôi lúc ấy chỉ có 42kg, một cô dân quân rất bé nhỏ, khi hải quân thiếu đạn thì tôi vác hai hòm đạn, không biết bao nhiêu kg sau đó các anh nói 98kg", Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển nhớ lại.
Sự kiện một nữ dân quân nặng 42kg vác hai hòm đạn nặng 98kg tiếp tế cho bộ đội không phải ai cũng tin. Hai tháng sau đó, các nhà báo nước ngoài tìm về Thanh Hóa gặp bà Tuyển. Họ muốn bà chứng minh bằng cách vác một khối lượng tương đương với một đầu 50kg khoai và 1 đầu là 55kg gạo. Để họ tin rằng trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam, mọi người, mọi nhà đều tham gia chiến đấu, bà đã chứng minh được sức mạnh tuyệt vời của nhân dân Việt Nam.
Lòng quyết tâm giành lấy độc tập, tự do cho dân tộc đã khiến nhân dân ta có được một sức mạnh phi thường. Tròn 21 tuổi, bà Ngô Thị Tuyển được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Không riêng bà, nhân dân làng Nam Ngạn cũng lập nhiều thành tích, ngày cao điểm nhất bắn rơi 47 máy bay và bắt sống nhiều giặc lái.
Nữ anh hùng tải đạn nay tóc đã phai sương, bước chân đi tập tễnh. Làng Nam Ngạn phát triển nhà tầng san sát. Còn Hàm Rồng, không còn là cây đường sắt xứ Thanh duy nhất nối liền Bắc - Nam nhưng nó sẽ mãi mãi là nhân chứng lịch sử quan trọng thể hiện sức mạnh của một đất nước anh hùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!