Dạy văn hóa tại các trường nghệ thuật thế nào là đúng?

Kim Hải (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 03/04/2021 20:22 GMT+7

VTV.vn -Hòa vào hệ thống giáo dục quốc dân và chịu sự quản lý chặt chẽ về chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước là cách đảm bảo việc dạy văn hóa tại các trường này đúng quy định.

Liên quan đến sự việc ở Học viện Múa Việt Nam, hơn 300 học viên đã và đang có nguy cơ không được cấp bằng THCS, THPT do học viện dạy chương trình văn hóa sai quy định. Dư luận đặt câu hỏi "Vì sao chuyện này lại có thể xảy ra ở một học viện có uy tín và truyền thống 60 năm như Học viện Múa Việt Nam?"

Ngoài Học viện này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn có 2 cơ sở đào tạo khác dạy học sinh từ nhỏ song song văn hóa và chuyên ngành nghệ thuật. Vậy 2 đơn vị này đã tổ chức dạy học văn hóa thế nào cho học sinh? Qua đó, phần nào hiểu được, sai sót của Học viện Múa Việt Nam đã xảy ra ở khâu nào.

Dạy văn hóa tại các trường nghệ thuật thế nào là đúng? - Ảnh 1.

Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: Đại đoàn kết

Được tuyển vào trường ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học, song song với học chuyên ngành, các học viên theo hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được học 8 môn văn hóa.

Ngay khi Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, Học viện đã ngay lập tức cập nhật những quy định mới để điều chỉnh, bổ sung các thức quản lý học sinh cho phù hợp và đúng luật.

Với Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, để từng bước trưởng thành về nghề xiếc như những học viên sắp tốt nghiệp, các em đã theo học ở trường từ năm lớp 6. Chương trình dạy học, chất lượng đội ngũ giáo viên, hệ thống quản lý học sinh đều bám sát yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Dạy văn hóa tại các trường nghệ thuật thế nào là đúng? - Ảnh 2.

Mặc dù thời gian học trung cấp kết thúc vào lớp 11 nhưng học sinh phải thi và có bằng tốt nghiệp THPT quốc gia lớp 12 mới được được quay lại trường nhận bằng trung cấp.

Như vậy có thể thấy, cùng là các trường nằm trong khối nghệ thuật nhưng sự lựa chọn con đường đào tạo học viên của 2 cơ sở đào tạo này và Học viện Múa Việt Nam là khác nhau. Một bên hòa vào hệ thống giáo dục quốc dân và chịu sự quản lý chặt chẽ về chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước. Một bên là dạy học và thi cử trong khuôn khổ của riêng mình, không cập nhật theo những quy định mới. Điều này dẫn đến hệ lụy là đầu ra của Học viện Múa không thể khớp nối với đầu vào của các cơ sở ở hệ đào tạo cao hơn.

Nhu cầu hiện nay của học viên đã đa dạng hơn, ngoài học được nghề, nhiều em còn có nhu cầu học tiếp đại học, đi du học, phát triển sang các ngành nghề có liên quan.

Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tích cực vào cuộc để tìm cách giải quyết hậu quả của sự việc, nhằm tìm một lối thoát giúp các tài năng múa trẻ có hướng phát triển sự nghiệp sau này. Tuy nhiên, điều xã hội chờ đợi không chỉ là những giải pháp tình thế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước