Cống Vũng Liêm lấy nước từ sông Cổ Chiên vào vùng sản xuất của tỉnh Vĩnh Long. Những ngày qua, mặn ở bên ngoài cống đó được là 0,5 phần ngàn. Hiện cống này đã được đóng lại để ngăn mặn. Các cống khác thuộc hệ thống thuỷ lợi Nam Măng Thít cũng đã được đóng để ngăn mặn tràn vào.
Mỗi ngày, đơn vị quản lý sẽ mở cống 1 lần khi nước ròng. Mỗi lần mở khoảng 1 giờ đồng hồ. Hệ thống thuỷ lợi Nam Măng Thít gồm các Cống Vũng Liêm, Bông Phót, Tân Dinh. Khi đóng lại, cống sẽ giúp giữ ngọt bảo vệ sản xuất cho hơn 28.000 ha đất trồng lúa và cây ăn trái ở Vĩnh Long và Trà Vinh.
Cống âu thuyền Ninh Quới giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Các địa phương ven biển khác như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đã vận hành hệ thống thuỷ lợi ứng phó với đợt xâm nhập mặn này.
Theo nhận định của các địa phương, cao điểm của đợt xâm nhập mặn này bắt đầu từ nay đến ngày 22/3. Trong thời gian này, bà con nông dân nên hạn chế lấy nước vào ruộng vườn.
Hàng chục ngàn ha lúa đông xuân của tỉnh Bạc Liêu phát triển tốt nhờ chủ động kiểm soát hạn mặn. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Đối vùng bán đảo Cà Mau thuộc lưu vực sông Cái Lớn, Cái Bé, bà con có thể tham khảo thông tin trang web cailoncaibe.thuyloivietnam.vn để biết thời gian vận hành và độ mặn ở 15 trạm khống chế vận hành. Đây là cơ sở để bà con biết được độ mặn, ngọt ở từng nơi để có kế hoạch lấy nước phục vụ sản xuất phù hợp.
Dù năm nay xâm nhập mặn không gay gắt như những năm trước nhưng bà con cũng không nên chủ quan. Giải pháp là nắm thông tin độ mặn từ các phương tiện thông tin để lựa chọn thời điểm lấy nước phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!