Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, để F0 có thể đi làm trực tiếp, bắt buộc phải đảm bảo hai việc cốt lõi đó là không để lây nhiễm cho người khác và đảm bảo khả năng xử lý y tế khi F0 có thể trở nặng. Để làm được điều này, đòi hỏi đầu tiên là ý thức của chính các F0 đi làm cùng với đó là sự tạo điều kiện tối đa cho F0 của các doanh nghiệp, đơn vị.
"Các F0 có khả năng lây bệnh trong vòng 10 ngày. Nên trong thời gian đấy, các cá nhân chúng ta phải tuân thủ 5K triệt để, đặc biệt làm thế nào hạn chế tối đa tiếp xúc với người có nguy cơ cao, người bệnh nền, phụ nữ mang thai. Đối với bản thân, khi có triệu chứng phải được chăm sóc kịp thời. Như vậy phải đồng bộ giữa người đi làm, từ việc tránh đi các phương tiện công cộng, tránh lây nhiễm trên đường đi và đến nơi cơ quan xí nghiệp bố trí vị trí tránh tiếp xúc với các đơn vị khác và thông thoáng khí" - GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.
Với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nơi có tới hơn 40% người lao động là F0, F1, họ xác định bắt buộc phải tốn công, tốn của, bố trí lại để F0, F1 được đi làm. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng phương án có xe đưa đón F0 thẳng từ nhà đến cơ quan, bố trí nơi làm việc riêng, giờ ăn trưa 3 ca lệch nhau cho F0, F1 và người chưa nhiễm COVID. Đặc biệt, quan trọng nhất vẫn là đầu tư mạnh khâu y tế trong đơn vị.
Không chỉ trông chờ vào ý thức của người lao động là F0, F1 hay sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp mà vấn đề quan trọng không kém còn là sự minh bạch, rõ ràng về thông tin, được cụ thể hóa thành quy định của Nhà nước. Người lao động là F0 và người sử dụng F0 làm việc rất cần hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình trong giai đoạn đặc biệt này. Có hiểu rõ thì mới thoải mái, yên tâm làm việc, trên cơ sở có chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!