Không chỉ việc làm và thu nhập, phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp là người ngoại tỉnh, khi ly hương, nhiều người mong muốn gắn bó lâu dài với nơi mình làm việc. Công nhân cần chỗ ở, còn doanh nghiệp thì cần nhân lực để ổn định sản xuất. Chính vì vậy, xã hội hóa trong xây nhà lưu trú cho công nhân được xem là một lời giải cho bài toán phát triển.
Hơn 140 căn hộ, mỗi căn gần 80 m2, là chốn đi về của hơn 600 công nhân công ty Thiên Nam (Bình Dương). Người có gia đình được bố trí căn hộ riêng để có thể đón người thân vào ở cùng. Người độc thân thì ở ghép 3 người/phòng.
15 năm trước, khu đất trống 20.000m2 ở ngay sát Khu Công nghiệp dệt may Bình An trở thành chung cư khi doanh nghiệp bỏ tiền mua đất và được Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh cho vay. Chi phí xây chung cư bằng với đầu tư một nhà máy mới nhưng doanh nghiệp không hề băn khoăn.
Gần 100 ngày giữa đại dịch COVID-19 năm 2021, số lao động tham gia sản xuất ''ba tại chỗ'' trong 5 nhà máy của Thiên Nam chủ yếu là cư dân chung cư để đảm bảo khép kín. Đến giai đoạn phục hồi, công ty không phải mất công kiếm tìm nhân lực bởi đội ngũ công nhân hầu như không hề suy chuyển.
200 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đã hoàn thành 250.000m2 nhà ở cho công nhân của mình. Bình Dương mới hoàn thiện được 2 thiết chế văn hóa theo đề án xây dựng thiết chế công đoàn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Xã hội hóa nhà ở công nhân theo hướng cho thuê đất với mức lãi suất ưu đãi vốn vay mới là hướng ra lâu dài để ổn định nguồn nhân lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!