Đây là đề xuất đáng chú ý, được thành phố đưa ra để lấy ý kiến, trong dự thảo Nghị định quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhà. Đề xuất này, dù được kỳ vọng là cơ sở pháp lý, quản lý cư trú, giảm áp lực dân cư nội đô. Tuy nhiên theo các chuyên gia, quy định này rất khó thực hiện, bởi ngay với quy định hiện hành, để người thuê nhà có thể đăng ký thường trú đã không dễ dàng.
Căn phòng rộng chưa đến 20 m2, tính cả khu vực vệ sinh là diện tích phòng ở được gia đình chị Hoa (tỉnh Tuyên Quang), gồm 3 người thuê để sinh sống tại Hà Nội.
Việc đăng ký thường trú được chị quan tâm đã lâu khi con đang ở tuổi mầm non, sắp đi học tiểu học, nhưng theo chị, quy định hiện hành đã khó, với đề xuất diện tích ở tối thiểu khi thuê, khó lại chồng thêm khó.
"Học ở dưới này, học mầm non thì xin tạm trú là được, nhưng lên tiểu học thì phải có thường trú. Cũng khó lắm, vì phải xin được vào hộ khẩu của chủ nhà thì mới được đi học", chị Hoàng Thị Hoa, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Những trường hợp này, nếu muốn đăng ký thường trú đòi hỏi phải được chủ sở hữu đồng ý và được nhập vào hộ khẩu của người cho thuê nhà. Tôi cho rằng đa số những chủ sở hữu nhỏ lẻ họ sẽ không bao giờ cho người thuê nhập vào hộ khẩu của mình", Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, cho biết.
Còn theo chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị, để kiểm soát gia tăng cơ học về dân cư khi sức hút đô thị ngày càng lớn cần một nhóm giải pháp đồng bộ. Việc quy định diện tích ở tối thiểu là cần thiết, đảm bảo điều kiện, chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, để hiệu quả, không chỉ quy định mà quá trình quản lý mới đóng vai trò quyết định.
"Mật độ dân cư liên quan đến nhà ở, liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng nhà ở. Nếu chúng ta cứ bỏ rơi vấn đề này để nó rất thấp để mọi người đều được thì chúng ta sẽ mất quản lý đô thị an sinh xã hội. Tiêu chí 15m2 chỉ là một thôi nhưng cũng là tiêu chí quan trọng. Làm thế nào để duy trì được tiêu chuẩn, nhưng phải đi vào thực tế, khi thực tiễn phong phú và vấn đề quản lý rất khó khăn", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nhận định.
Cũng theo ông Chính, đề xuất mới về diện tích thuê nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú sẽ chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng, thường có nhu cầu đăng ký để cho con đi học các trường công lập, chứ không phải tất cả, vì vậy để hướng tới đảm bảo an ninh, trật tự trong đó có nội dung quản lý cư trú, vẫn cần hơn nữa các quy định, giải pháp thiết thực trong quản lý dân cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!