Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Hội nghị đón tiếp 289 đại biểu trí thức hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực, đại diện cho đội ngũ trí thức TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến trên mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Nên - phát biểu tại Hội nghị
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Sử đề xuất về mô hình hợp tác công tư trong ngành y tế. Các bệnh viện công lớn đang trong tình trạng quá trải ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Trong khi nhiều bệnh viện tư đầu tư trang thiết bị hiện đại nhưng công suất sử dụng lại rất thấp. "Triển khai các mô hình hợp tác công tư một cách hiệu quả sẽ đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, kịp thời cứu chữa cho các bệnh nhân, rút ngắn thời gian chờ đợi cho các bệnh nhân. Tối ưu hóa công suất của các thiết bị", bác sĩ Lê Quốc Sử bày tỏ quan điểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Sử đề xuất mô hình hợp tác công - tư trong ngành Y tế
Bên cạnh đó, theo ông, với tiềm lực tài chính của y tế tư nhân và năng lực chuyên môn của y tế công, thành phố có thể xây dựng được những bệnh viện đủ sức cạnh tranh với các bệnh viện hàng đầu trong khu vực.
Về vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, GS.TS Đặng Lương Mô cho rằng, thành phố nên có những đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ trí thức, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ chủ chốt.
Trăn trở việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, nhà văn Trầm Hương nhắc đến đội ngũ du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Trong định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bà mong muốn thành phố có những chính sách hỗ trợ, đồng hành để các du học sinh có thể phát huy vai trò quảng bá văn hóa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đề xuất có những chính sách đồng bộ để thúc đẩy văn hóa đọc
Góp ý về chương trình hành động số 49 của Thành ủy, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đề nghị nên xây dựng một cơ sở dữ liệu số hóa về nguồn nhân lực của thành phố.
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân gợi ý về việc số hóa dữ liệu
Đội ngũ trí thức TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1,6 triệu người, trong đó hơn 18.000 là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành và nghệ sĩ nhân dân. Lực lượng này tập trung ở 109 trường đại học, 371 tổ chức khoa học công nghệ, 78 viện nghiên cứu, chiếm trên 20% tổng số trí thức cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên trân trọng ghi nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố với hàng ngàn công trình nghiên cứu trên mọi lĩnh vực xã hội, đi cùng với các hoạt động tư vấn, hiến kế, phản biện xã hội. Lãnh đạo Thành phố tiếp thu mọi đề xuất, kiến nghị của đại biểu trí thức và sẽ triển khai một cách cụ thể, hiệu quả trong thời gian tới. "Nhờ lắng nghe đội ngũ trí thức, TP Hồ Chí Minh mới có thể tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ sự thấu cảm với những khó khăn mà đội ngũ trí thức phải đương đầu. "Có những vấn đề mà bản thân giới trí thức không thể vượt qua được, phải có sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp cũng như sự hỗ trợ của các ngành. TP Hồ Chí Minh đã thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ giới trí thức nhưng còn nhiều điểm hạn chế. Thành phố sẽ tìm cách khắc phục hạn chế, để thu hút và tạo được sự đồng hành nhiều hơn của đội ngũ trí thức", người đứng đầu Thành phố nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!