Trước vô vàn những loại đồ chơi hiện đại, thú chơi đèn kéo quân mỗi mùa Trung thu tưởng như đã vắng bóng. Thế nhưng, ở xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền nay đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm" vẫn gắng sức giữ lại những món đồ chơi giản dị, đam mê làm đèn kéo quân và lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian tới với các em nhỏ mỗi độ Tết Trung thu.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền là 1 trong 2 nghệ nhân cuối cùng của Cao Viên còn làm đèn kéo quân. Ông Quyền kể: ''Đèn này trước tôi bé, cứ đến Tết hay Rằm tháng 8 là ông nội và bố làm cho chơi. Về sau lớn lên, các cụ bận không làm được thì mình làm lấy. Sướng nhất là làm được đèn là đi khoe''.
Đèn kéo quân bắt nguồn từ câu chuyện truyền thuyết về một chàng trai hiếu thảo. Mồ côi cha, chàng sống với mẹ nhưng khi lớn lên chàng phải đi làm xa nhà. Thương mẹ già ở nhà một mình cô quạnh, chàng đã làm ra chiếc đèn kéo quân, mô phỏng trò rối bóng, giúp mẹ già cảm thấy nguôi ngoai nỗi nhớ con.
Không cần pin, cũng không cần quạt, những con giống trong đèn kéo quân di chuyển được nhờ một nguồn năng lượng đặc biệt. Khi ta thắp ngọn nến vào trong này, không khí được đốt nóng, bốc lên tạo thành luồng gió làm cho tán quay. Trình độ các cụ ABC ngày xưa không biết, thế mà áp dụng 2 nguyên lý vật lý chuẩn xác'', nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền nói.
Chiếc đèn kéo quân không chỉ là cách những thế hệ đi trước truyền lại cho tuổi thơ thời nay tình yêu với nét văn hóa truyền thống, chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn của cha ông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!