Khách chờ lên xe ở bến Miền Đông mới, cuối tháng 1/2024. Ảnh: Gia Minh
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đã thống nhất danh mục 11 tuyến xe khách cố định từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương và ngược lại di dời sang bến xe Miền Đông mới. Thời gian dự kiến di dời từ 0h ngày 1/8.
Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét cập nhật, điều chỉnh danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng năm 2030 làm cơ sở cho các đơn vị triển khai.
Dự kiến việc di dời 11 tuyến xe khách cố định sang bến xe Miền Đông mới bắt đầu từ 0h ngày 1/8.
Nằm trên đường Hoàng Hữu Nam (phường Long Bình, TP Thủ Đức), bến xe Miền Đông mới bắt đầu khai thác từ tháng 10/2020. Bến xe có diện tích 16ha, có quy mô lớn nhất nước. Thời gian qua, các tuyến xe khách cố định hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ đã được chuyển dần sang hoạt động tại bến xe Miền Đông mới.
Từ khi đi vào hoạt động, dù các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhưng lượng khách đi lại tại bến xe Miền Đông mới chưa đạt như kỳ vọng. Số lượng các xe tuyến liên tỉnh hoạt động còn khiêm tốn vì ít khách.
Một trong những nguyên nhân khiến bến xe hoạt động chưa hiệu quả là nằm xa trung tâm, trong khi tình trạng "bến cóc, xe dù" vẫn còn hoạt động nhiều. Ngoài ra, thói quen đi lại đến bến mới chậm hình thành, hạ tầng giao thông quanh bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện. Các loại hình giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1) đến nay vẫn chưa xong nên chưa thể kết nối với bến xe…
Tại buổi hội nghị khách hàng để đánh giá tình hình hoạt động và tìm giải pháp gỡ khó, hút khách vào tháng 4/2024, các nhà xe cũng đã đề nghị bến xe Miền Đông mới cần nâng chất lượng và có các chính sách để thu hút doanh nghiệp vận tải và hành khách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!