Di dời khỏi chung cư cấp D: Ranh giới nào giữa bảo vệ lợi ích chính đáng và tinh thần thượng tôn pháp luật?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 30/03/2023 06:18 GMT+7

VTV.vn - Nguy cơ chậm tiến độ đã hiện hữu, bởi một số người dân nhất quyết không chịu rời khỏi chung cư cấp D - chung cư xuống cấp ở mức nguy hiểm nhất ở Hà Nội.

Di dời khỏi chung cư cấp D: Cần vì lợi ích chung

Cải tạo chung cư cũ đang là nhiệm vụ hết sức cấp thiết với 1 số đô thị lớn, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, nơi có tới hơn 1.500 nhà chung cư cũ nhưng mới chỉ cải tạo được khoảng 1%. Kế hoạch của thành phố là hết quý 1 năm nay phải di dời được người dân ra khỏi 4 chung cư cấp D, cấp nguy hiểm có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến hạn, nhưng đến lúc này, việc triển khai vẫn còn rất ngổn ngang. Tại nhà G6A Thành Công, các hộ dân vẫn chưa chấp thuận các phương án mà chính quyền địa phương đưa ra. Thậm chí là có những hộ... từ chối nhận quyết định cưỡng chế.

Đơn cử như nhà X2, Phú Thượng, Tây Hồ được chọn là nơi để bố trí cho 21 hộ dân còn lại ở tập thể G6A Thành Công đến tạm cư.

Các căn hộ đã chuẩn bị xong để đón chủ mới nhưng chưa ai về. Cuộc sống ở nơi ở cũ, khu nhà được đánh giá là nguy hiểm có thể sập bất cứ lúc nào vẫn đang diễn ra.

Đối thoại với người dân chưa di dời chung cư cũ

Cần phải nói thêm rằng, quá trình vận động người dân tại khu chung cư này đã trải qua 6 năm, 28 trên tổng số 49 hộ dân chấp nhận di dời, 21 hộ dân còn lại vẫn tiếp tục ở đó. Mới nhất, hồi tháng 2, UBND Quận Ba Đình đã tổ chức một buổi đối thoại với những hộ dân còn lại này

Tìm và lựa chọn chủ đầu tư trước khi tổ chức di dời là vấn đề được hầu hết người dân có mặt tại buổi đối thoại quan tâm.

Giải đáp những thắc mắc này, đại diện chính quyền địa phương cho biết, quy trình thực hiện tìm kiếm chủ đầu tư của Nghị định 69 đã có nhiều thay đổi so với Nghị định 101 trước đó. Việc tìm kiếm chủ đầu tư đang được UBND quận thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Quy trình trước hết là quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, sau đó UBND thành phố sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, công bố công khai để các nhà đầu tư tham gia. Sau khi có danh mục các nhà đầu tư đăng ký tham gia thì UBND quận sẽ có trách nhiệm sàng lọc những đơn vị nào đủ điều kiện để tham gia, báo cáo thành phố chấp thuận và sau đó đơn vị đó sẽ lập phương án tái định cư và đưa ra hội nghị nhà chung cư để các bác lựa chọn".

Buổi đối thoại kết thúc nhưng vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, nhất là trong vấn đề kiểm định chất lượng tòa nhà.

Di dời khỏi chung cư cấp D: Ranh giới nào giữa bảo vệ lợi ích chính đáng và tinh thần thượng tôn pháp luật? - Ảnh 1.

Khu nhà này có 2 đơn nguyên là G6A và G6B nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Hiện tại nhà G6A đang bị nghiêng tạo ra một khoảng trống lớn ở đoạn nối với tòa nhà G6B có hình chữ V. Ảnh: Dân trí

Nhà nguy hiểm, phải di dời

Nhìn ra thế giới, mỗi một dự án, công trình xây dựng, dù ở nơi nào cùng thì cũng đều là phục vụ cho con người. Vì vậy, các yêu cầu về an toàn phải được xem là ưu tiên số một. Khi công trình xuống cấp, hoặc có biểu hiện không an toàn, được cơ quan có trách nhiệm khuyến cáo, thì người dân phải chấp hành tuyệt đối.

Cuối tháng 10 vừa rồi, 164 hộ dân ở toà nhà 14 tầng Port Royale tại thành phố Miami, đã phải rời khỏi chung cư sau khi nhận được thông báo toà nhà không còn an toàn

Thông báo được dán tại toà nhà, sau khi các chuyên gia kiểm định xây dựng của Miami kết luận kết cấu toà nhà không an toàn. Một số dầm xuất hiện vết nứt, xi măng bị bong tróc.

Thông báo được dán bên ngoài lúc 5 giờ chiều, cư dân có 2 tiếng chuẩn bị, và phải rời khỏi nhà trước 7 giờ tối.

Tại Mỹ, chính quyền sẽ yêu cầu rời khỏi nhà thường là để đối phó với bão lụt, hay khi căn nhà được kết luận đã xuống cấp, nguy hiểm, không đảm bảo an toàn hay các quy định phòng chống cháy nổ. Việc đền bù, hay xử lý trách nhiệm được thực hiện sau.

Chủ trương cải tạo nhà chung cư cũ ở Hà Nội đã bắt đầu được đặt ra từ năm 2005, tức là gần 20 năm. Từ đó đến nay đã có rất nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của thủ đô. Nhưng tốc độ cải tạo mới đạt hơn 1% cho thấy bài toán chung cư cũ còn rất nan giải. Hàng nghìn chung cư cũ, liên quan đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người, quá trình giải tỏa đền bù thời gian qua không phải không còn những tồn tại, nhưng thực tế cũng cho thấy chính quyền đã rất nỗ lực để lắng nghe, đổi mới. Người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ của mình, bởi quyền lợi lớn nhất ở đây không ai khác là chính người dân được đảm bảo một nơi ở an toàn. Và trong một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, không thể chỉ vì nhượng bộ với nhu cầu của một bộ phận người dân mà ảnh hưởng tới cả cộng đồng.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước