Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020. Ảnh: SK&ĐS
Đây là nội dung của Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng với hơn 700 điểm cầu do Bộ Y tế tổ chức.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã tập trung phân tích và đưa ra những điểm mới trong chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh bạch hầu và sốt xuất huyết. Đặc biệt khi dịch bạch hầu đã bùng phát mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung với gần 200 ca mắc và 4 ca tử vong. Đây là những vùng lõm về tiêm chủng trong nhiều năm, tỷ lệ tiêm chủng thấp và môi trường sống còn không hợp vệ sinh.
Các chuyên gia khẳng định, để phòng bệnh cần phải tiêm đủ 6 liều vaccine nhưng từ liều thứ 4 sẽ tiêm vaccine bạch hầu giảm liều, nếu tiêm nguyên liều thì sẽ gây ra tình trạng co giật.
Trong khi đó, sốt xuất huyết đang vào mùa và sẽ đạt đỉnh vào tháng 10 và tháng 11.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh dịch COVID-19, trên thế giới cũng như các nước ở khu vực Đông Nam Á, dịch sốt xuất huyết, sởi vẫn đang lưu hành. Đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc và vaccine phòng bệnh.
Tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm tốt được thế giới đánh giá cao. Ngoài ra, đối với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, chân tay miệng, sởi tuy đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 nhưng hiện vẫn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao cục bộ ở một số địa phương. Ở Miền Trung, Tây Nguyên ghi nhận nhiều ca mắc bệnh bạch hầu.
Dự báo, những tháng còn lại của năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó thời tiết mùa Đông - Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện mục tiêu kép - chủ động phòng, chống dịch; đồng thời phát triển kinh tế xã hội, không để dịch chồng dịch, chúng ta phải đánh giá, phân tích kỹ tình hình dịch bệnh của từng khu vực, làm rõ tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, các đơn vị phải để xuất giải pháp nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông, thông tin cho người dân để chủ động phòng dịch hiệu quả, có biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, xóa vùng lõm trong tiêm chủng.
Còn xã "trắng" về tiêm chủng phòng bạch hầu
TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu.
Điều tra dịch tễ cho thấy, trong 198 trường hợp dương tính với virus gây bệnh bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), trong đó 4 tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1).
So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 03 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020.
Số mắc từ 3 tháng tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.
Nhận định về khó khăn trong phòng chống dịch bạch hầu, TS. Tấn cho biết, các xã có ổ dịch đa số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vaccine. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm.
Cảnh báo sốt xuất huyết phức tạp trong mùa mưa
Về dịch sốt xuất huyết, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong cao. Tại Singapore - quốc gia được coi là "sạch" nhưng cũng đã ghi nhận 21.834 ca mắc, tăng cao hơn cùng kỳ 2019 và giai đoạn 5 năm trước.
Tại Việt Nam, TS. Tấn cũng cho biết, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%.
Hiện không có sự bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng số mắc các tuần gần đây cơ bản cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao từ tuần 30 trong năm và đang tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể phức tạp hơn.
3 tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, BìnhThuận, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM và Hà Nội.
Theo TS. Tấn, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết bằng cách diệt loăng quăng, diệt muỗi năm nào cũng được tuyên truyền, tuy nhiên dịch vẫn gia tăng là do ý thức của cộng đồng chưa cao; Chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt xuất huyết; Các chiến dịch diệt bọ gậy ở một số địa phương chỉ mang tính hình thức và không được duy trì được lâu dài, bền vững.
"Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng.
Số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống" - ông Tấn nhận định.
Các chuyên gia truyền nhiễm đặc biệt lưu ý người dân không tự điều trị bệnh, tránh các biến chứng nặng và hậu quả đáng tiếc xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!