Dù tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo nhất cả nước đã giảm từ 50,43% năm 2015 xuống còn 27,85% năm 2019 và chỉ còn khoảng 24% vào cuối năm nay nhưng cả nước vẫn còn những vùng khó thoát, thậm chí "Nghèo bền vững".
Tại huyện Kỳ Sơn, một trong các huyện nghèo nhất của tỉnh Nghệ An, nơi sự khắc nghiệt của thiên nhiên và tập quán của người dân đang ngăn trở vùng đất này thoát nghèo. Các bản chưa có sản phẩm nào trở thành hàng hóa để giúp dân thoát nghèo. Nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã đầu tư cho vùng khó khăn này, cán bộ xã tâm huyết, sát từng hộ dân nhưng tất cả vẫn như cũ.
Ở vùng đất khô cằn mưa nắng thất thường này, chỉ có mô hình nuôi bò và trồng cỏ voi là phù hợp. Năm nào, xã cũng tổ chức nhiều cuộc họp khắp các bản, hướng dẫn về cách chăm bò và trồng cỏ voi nhưng dân cứ nhận bò nhà nước xong lại thả vào rừng.
Rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho công cuộc giảm nghèo ở những vùng lõi nghèo như Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa còn nhiều ngăn trở. Tại các vùng tỷ lệ hộ nghèo còn cao đều có đặc điểm chung là dư thừa lao động. Làm thế nào để lao động ở đây dời khỏi bản làng để tìm kiếm việc làm đang là một trở ngại lớn trong khi đây chính là giải pháp để thoát nghèo, bởi không thể trông chờ vào những diện tích cằn cỗi nhỏ bé mà mong muốn có thể đổi đời.
Học nghề theo mô hình 9+.
Đã có nhiều phương án, mô hình và nguồn lực dồn cho vùng khó khăn tuy nhiên việc tận dụng, dịch chuyển nguồn lao động ở những vùng này đem lại giá trị cao hơn lại cần tính đến. Chính sách giảm nghèo đã xác định "cho cần câu chứ không cho cá" và một số lao động từ những bản, xã đặc biệt khó khăn này đã tự nhận thức rằng: Không chỉ thoát ly mà còn phải đi học nghề, có nghề mới là hướng thoát nghèo bền vững.
Dịch chuyển và đào tạo nghề không chỉ giải quyết thừa lao động, mang lại thu nhập mà quan trọng nhất là thay đổi quan niệm, nhận thức về giá trị sức lao động của người dân vùng khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!