Dịch COVID-19: Cách nào giữ an toàn cho trẻ trong dịch bệnh?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 03/02/2021 20:59 GMT+7

VTV.vn - Dù có bố mẹ đi cùng cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh. Trong khi đó, đợt dịch này, hàng trăm học sinh từ mầm non đến cấp 2 phải cách ly.

Hình ảnh những em bé tiểu học, thậm chí là mầm non đi vào khu cách ly tập trung có lẽ là những hình ảnh được quan tâm nhiều nhất trong những ngày qua. Bởi lần đầu tiên, dịch bệnh có nhiều những F1, F2 nhỏ tuổi đến như vậy. Hầu hết các em còn chưa hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, mà chỉ buồn vì hôm nay mình không được ở nhà với bố mẹ hay hôm nay mình không được chạy ra ngoài hàng xóm chơi, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường…

Những suy nghĩ non nớt này càng khiến chúng ta tự ý thức rằng, các em là những đối tượng cần được quan tâm, bao bọc nhất trong đại dịch này, một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Dịch COVID-19: Cách nào giữ an toàn cho trẻ trong dịch bệnh? - Ảnh 1.

Chăm sóc trẻ ở nơi cách ly tập trung

Trường tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội hiện là nơi cách ly tập trung của gần 60 em học sinh lớp 3, là F1 của một bạn học cùng khối.

Bước sang ngày thứ 3, các em học sinh lớp 3 từ bỡ ngỡ đã dần chuyển sang quen thuộc với những hoạt động cách ly tập trung ngay tại ngôi trường thân quen. Những búp bê thân thiết, những quyển truyện yêu thích và cả các bạn ở cùng đã giúp tinh thần của các em ổn định, vui vẻ.

Qua những hình ảnh do các cô giáo Trường tiểu học Xuân Phương gửi, có thể thấy, dù đang thực hiện cách ly tập trung cùng học sinh nhưng các cô giáo cũng không quên công tác chuyên môn để giúp ổn định tâm lý cho các em, mang đến cảm giác thoải mái cho các em nhỏ ngay cả khi đang sống xa gia đình, người thân những ngày Tết đang đến gần.

Dịch COVID-19: Cách nào giữ an toàn cho trẻ trong dịch bệnh? - Ảnh 2.

Một giáo viên phát động "Vũ điệu rửa tay" giúp các em học sinh vui vẻ hơn trong khu cách ly. Ảnh: TTXVN

17 phòng học được nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cho các em có giấc ngủ ngon. Bên cạnh đó là những bữa ăn chất lượng được Ban chỉ huy quân sự Quận chăm lo chu đáo suốt quá trình thực hiện cách ly.

Hiện đang có 56 học sinh, 10 giáo viên và 10 phụ huynh thuộc diện F1, 36 phụ huynh diện F2 đang cách ly tại khu cách ly đặc biệt này. Tính đến nay, toàn bộ xét nghiệm lần 1 của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều cho kết quả âm tính. Kết quả xét nghiệm lần 2 có vào chiều ngày 2/2.

Các em học sinh là những đối tượng nhạy cảm nên công tác chăm sóc cũng có sự khác biệt khá nhiều so với người lớn, vì thế trong điều kiện cách ly tại khu cách ly đặc biệt này, nhân viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ cũng như giúp cho các em ổn định tâm lý, để những ngày cách ly trôi qua nhanh hơn trước khi trở về với gia đình.

Dù là có bố, mẹ đi theo, được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về nơi ăn chốn ở nhưng phải vào những khu cách ly này đã là rất thiệt thòi. Ngoài ra, liệu có những vấn đề gì khác đáng lo ngại nảy sinh trong quá trình thực hiện cách ly đối với trẻ nhỏ hay không.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Hiện nay, trên cả nước cũng như trên phạm vi toàn cầu chung ta đang tập trung cao độ cho việc phòng chống đại dịch, có nhiều cá nhân trong đó có cả trẻ em phải cách ly ở các cơ sở tập trung. Nhiều trẻ em nhiều tháng không được đến trường. Các em phải nghỉ học ở nhà để học trực tuyến. Trong bối cảnh đó, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong vấn đề chăm sóc trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi dưới 3 tuổi và dưới 5 tuổi.

Bảo vệ trẻ em, phụ nữ tại nơi cách ly tập trung

Những hướng dẫn có trong bộ tài liệu do Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF và một số tổ chức quốc tế khác nghiên cứu, phát hành, về việc việc hướng dẫn chăm sóc phụ nữ và trẻ em tại những nơi cách ly tập trung.

Dịch COVID-19: Cách nào giữ an toàn cho trẻ trong dịch bệnh? - Ảnh 3.

Rất nhiều phụ huynh đã đồng hành cùng học sinh tại khu cách ly tập trung. Ảnh: TTXVN

Lưu ý khi chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại khu cách ly

* An toàn nơi ở

- Trẻ em nếu có cha, mẹ, người thân cùng diện cách ly thì cần được bố trí ở cùng phòng/khu vực.

- Bố trí nơi ở tách biệt nam - nữ, nếu là phòng chung phải có vách ngăn.

- Cửa phòng phải có chốt, khóa an toàn bên trong.

- Có hệ thống camera an ninh giám sát.

- Có cán bộ thường xuyên giám sát khu vực.

* An toàn khỏi bạo lựcxâm hại tình dục

- Bố trí nhân viên chăm sóc, giám sát có chuyên môn, có kỹ năng làm việc với trẻ em.

- Phổ biến tuyên truyền các kiến thức về bạo lực và xâm hại tình dục.

- Trong trường hợp xảy ra bạo lực, xâm hại tình dục, cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp cách ly nghi phạm hoặc thủ phạm, kết nối dịch vụ chăm sóc, trị liệu về tâm lý ngay lập tức đối với trẻ em là nạn nhân.

- Sắp xếp một địa điểm dự phòng trong khu vực cách ly dành cho dịch vụ chăm sóc trẻ em, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục.

- Phổ biến các số điện thoại cần thiết, như Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, đường dây nóng của các tổ chức bảo vệ trẻ em, số điện thoại của người phụ trách khu cách ly.

* An toàn vệ sinh và dinh dưỡng

- Bố trí khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, có đèn chiếu sáng, có khóa an toàn.

- Cung cấp đầy đủ nước sạch, cung cấp dụng cụ vệ sinh.

- Cung cấp bộ đồ dùng vệ sinh cá nhân trong đó có khăn mặt, bàn chải và kem đánh răng, lược, dung dịch vệ sinh, nước rửa tay, xà phòng hoặc nước tắm, nước gội đầu, băng vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái.

- Cung cấp bữa ăn bổ sung hợp lý và phù hợp với trẻ em, đặc biệt trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi.

Đó là những vấn đề ở nơi cách nơi cách ly tập trung, còn với những trẻ cách ly tại nhà hoặc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, không đến trường, những vấn đề gì cần lưu ý như:

Cha mẹ cần có những kiến thức nhất định để mà vượt qua khủng hoảng về tâm lý, có giao tiếp để giải quyết những vấn đề đặc biệt mà trong thời gian ở nhà, không gian bó kín sẽ nảy sinh những vấn đề tâm lý, thậm chí là trầm cảm, dẫn đến bạo lực trong gia đình.

Một vấn đề nữa là trong bối cảnh đó các em cũng có nguy cơ bị tai nạn thương tích trong chính gia đình và cộng đồng, đây cũng là kiến thức các em cần phải biết. Trong thời gian này, những nguy cơ về bạo lực và xâm hại tình dục vẫn có thể xảy ra với các em, vậy nên các em và cha mẹ cũng cần phải biết những kiến thức để phòng ngừa và giải quyết những vấn đề liên quan đến bạo lực đặc biệt là xâm hại tình dục.

Rõ ràng là có rất nhiều vấn đề đặt ra trong việc bảo vệ trẻ em khi xảy ra dịch bệnh. Đó không chỉ là bảo vệ các em khỏi nguy cơ mắc bệnh, mà còn là việc làm sao để em có một tinh thần tốt, sức khỏe tốt. Đôi khi, nếu biết cách thì chúng ta có thể biến nguy cơ thành cơ hội. Ví dụ như là cơ hội để được gần gũi trẻ nhiều hơn, cơ hội để cùng con học tại nhà, cơ hội để biến những ngày cách ly trở thành những ngày vui vẻ, ý nghĩa...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước