Điểm tuần: "Kỹ năng bán hàng" nhìn từ những vụ việc nóng trong tuần

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 08/04/2023 15:06 GMT+7

VTV.vn - Cùng điểm lại một số câu chuyện nổi bật trong tuần xoay quanh chủ đề "bán hàng".

Có câu nói rằng: "Mọi người đều sống bằng cách bán một thứ gì đó". Quả thực vậy, từ những sản phẩm, dịch vụ cụ thể tới những điều hầu như ai cũng có như: thời gian, trí tuệ, năng lực bản thân…, chúng ta đều đang cố gắng bán điều gì đó của mình để đổi lại những giá trị cao hơn.

Cùng với nhiều kỹ năng khác như: giao tiếp, tự học, biết quản lý thời gian…, "bán hàng" luôn là một trong những kỹ năng cơ bản được đánh giá là rất quan trọng trong hành trình đến với thành công của bất kỳ ai ở bất kỳ thời điểm nào bởi đơn giản đó là cách tạo ra doanh thu, tiến tới là lợi nhuận. Trong mối quan hệ mua - bán, điều kiện lý tưởng nhất sẽ luôn là "thuận mua - vừa bán" khi ai cũng hài lòng với thứ mình mang ra trao đổi. Sự "không hài lòng" thường sẽ xuất hiện khi 1 trong 2 bên mua hoặc bán có những chi tiết không được như cam kết. Ví dụ như chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hay như người ta vẫn nói là "treo đầu dê bán thịt chó".

Đó là chuyện xảy ra đầu tuần tại một cơ sở giáo dục mầm non ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Mức học phí tại đây là 11 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền ăn 70.000 đồng/ngày. Nhưng theo những gì quan sát được thì phụ huynh học sinh lại tự nảy ra nhiều câu hỏi như: "Đây là loại cam gì mà vắt ra nước trong như nước lọc?", "Chuối cắt lát thì dễ ăn nhưng sao không cho các cháu ăn luôn cả quả mà lại chia một quả cho nhiều cháu?", "Sao đang bữa ăn lại còn bắt các cháu tìm thịt mỏi cả mắt trong bát cháo thịt?"… Ngay khi nhận được phản ánh, UBND quận Nam Từ Liêm đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và hiện thì cơ sở này đã phải tạm dừng mọi hoạt động trông giữ trẻ tới khi có đủ điều kiện mới được phép hoạt động trở lại.

Điểm tuần: Kỹ năng bán hàng nhìn từ những vụ việc nóng trong tuần - Ảnh 1.
Điểm tuần: Kỹ năng bán hàng nhìn từ những vụ việc nóng trong tuần - Ảnh 2.

Hay như hoạt động "tiêm truyền tinh chất bổ não" của một phòng khám được quảng cáo là phương pháp đang phổ biến tại Đức giúp phòng ngừa các bệnh lý như: đột quỵ, tiền đình, thậm chí cả ung thư… Khi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất, danh sách thuốc của từng gói đều là những loại thuốc bổ thông thường như: vitamin B6, B12… nhưng đã được cơ sở này quảng cáo thổi phồng như thần dược.

Điểm tuần: Kỹ năng bán hàng nhìn từ những vụ việc nóng trong tuần - Ảnh 3.

Thế mới thấy "thuận mua - vừa bán" đôi khi chỉ là cảm giác tại thời điểm giao dịch mua - bán diễn ra mà thôi. Chỉ có sau khi thực sự sử dụng, khi chất lượng và tính hữu dụng của sản phẩm thực sự lên tiếng mới là lúc ta biết việc mua - bán kia có hợp lý hay không. Điều mà người mua hàng ghét nhất có lẽ là "chất lượng không xứng với cam kết dịch vụ" nhưng có lẽ điều mà họ ghét hơn sẽ là phải cố gắng sống chung với chất lượng dịch vụ không tương xứng này dù biết rõ nó. Đó là điều nhiều người dân tại TP Vinh và một số vùng phụ cận đang đối diện với nguồn nước sử dụng trong chính gia đình mình.

Nước sinh hoạt cung cấp cho một số khu vực tại thành phố Vinh và vùng phụ cận hiện vẫn đang được lấy từ nguồn nước thô của cả sông Đào và sông Lam. Con sông Đào cách đây vài ngày đầy xác gia súc, gia cầm phân hủy, nước thải của của các nhà máy, cơ sở chăn nuôi, thậm chí là cả những vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…

Ngay từ năm 2019, nhận biết nguy cơ ô nhiễm của sông Đào, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu hạn chế sử dụng nguồn nước thô từ con sông này. Nhưng thực tế nó vẫn len lỏi và trộn lẫn vào nguồn nước để sản xuất nước sinh hoạt cho nhiều khu vực.

Với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt, một số người dân tại TP Vinh và vùng lân cận lại đang phải chủ động các phương án để có nước sạch cho mình như phải mua nước sạch bên ngoài với giá cao hơn cả chục lần hoặc phải chấp nhận một vài tuần lại đi thay lõi máy lọc.

Trong bán hàng có một chỉ số quan trọng đó là tỉ lệ khách hàng quay lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình. Tỉ lệ này càng cao chứng tỏ chất lượng và uy tín của người bán càng lớn. Còn đã bán mà không cần quan tâm tới chỉ số này thì có lẽ chỉ có 2 trường hợp, một là chất lượng sản phẩm quá kém, việc bán hoàn toàn dựa vào lời thổi phồng của chiến lược truyền thông và hai là những vụ lừa đảo.

Điểm tuần: Kỹ năng bán hàng nhìn từ những vụ việc nóng trong tuần - Ảnh 4.

Một thủ đoạn lừa đảo mới đây được nhiều ngân hàng đưa ra cảnh báo là việc nhiều người dân đã nhận được các tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng với nội dung như: "Ứng dụng ngân hàng của khách hàng được phát hiện kích hoạt trên một thiết bị lạ" rồi yêu cầu để kiểm tra hoặc hủy thì cần click vào đường link trong tin nhắn và làm theo hướng dẫn. Có người đã mất sạch tiền vì làm theo.

Thủ đoạn tinh vi của kẻ gian là tạo ra trạm phát sóng BTS giả để chèn tin nhắn lừa đảo vào đúng danh sách tin nhắn thật của các ngân hàng kia… Mỗi trạm phát sóng giả này có bán kính phủ 2km, 1 ngày có thể phát đi 70.000 tin nhắn. Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai và Quảng Nam đã bắt giữ một số đối tượng đang trên đường sử dụng thủ đoạn này để lừa đảo. Hai đối tượng này khai nhận cứ 10.000 tin nhắn được gửi đi, các đối tượng được trả 500.000 đồng qua ví tiền ảo.

Cách để tránh những vụ lừa đảo này không khó, chỉ cần một cuộc điện thoại hỏi chính tổng đài của ngân hàng là xong. Thông tin minh bạch luôn là chốt chặn an toàn trước những vụ lừa đảo nhưng càng minh bạch cũng đồng nghĩa với việc càng công bằng, mà công bằng lại là điều chẳng mấy dễ chịu với những ai chưa tự tin vào những gì mình có, muốn tìm cách kéo thêm chút lợi thế về phía mình trong một cuộc đua nào đó. Và thế là đôi khi trong quan hệ mua - bán, sự nhập nhèm lại được tạo ra từ chính phía người mua. Như câu chuyện mua nhà ở xã hội.

Nhu cầu mua nhà ở xã hội luôn cao nhưng nguồn cung thì còn hạn chế nên thay vì phải xếp hàng dài từ 4h sáng ở văn phòng của chủ đầu tư dự án để trực chờ nộp hồ sơ, nhiều người mua nhà ở xã hội lại chọn con đường vòng, tìm tới với những cò mồi bất động sản. Những cò mồi lại quá lão luyện kỹ năng bán hàng trong nhưng tình huống như thế này, đánh trúng vào nỗi đau của khách hàng.

Điểm tuần: Kỹ năng bán hàng nhìn từ những vụ việc nóng trong tuần - Ảnh 5.

Không chỉ giải quyết trực tiếp nỗi khổ xếp hàng chờ nộp hồ sơ của người mua, nhiều cò còn đưa ra những sản phẩm phụ kèm theo đầy hấp dẫn, từ chọn căn nào cũng được tới làm luôn cả hộ khẩu Hà Nội và không quên một kỹ thuật bán hàng quen thuộc là khơi gợi cảm giác khan hiếm của nguồn hàng.

Cái giá phải trả cũng được các cò hét lên cho tương xứng với những lợi ích riêng có khi đi đường vòng này, tiền chênh lệch để chắc suất mua nhà ở xã hội cũng lên tới cả trăm triệu đồng mỗi căn. Với ma trận lời mời chào đánh trúng nỗi đau, dịch vụ đi kèm tiện lợi và cảm giác khan hiếm cơ hội, người mua dễ rơi ngay vào lựa chọn xuống tiền để chắc suất. Chỉ khi bình tĩnh lại, mọi lo lắng mới có cơ hội trỗi dậy lên tiếng.

Điều đáng buồn là lo lắng ấy của những người đã trót xuống tiền lại hoàn toàn có lý khi ngay sau sự việc này, chủ đầu tư đã khẳng định rằng không liên kết với bất kỳ một sàn giao dịch bất động sản nào. Việc lựa chọn khách hàng hoặc chọn căn, chọn tầng là hoàn toàn không có căn cứ bởi tất cả khách hàng sẽ đều tham gia bốc thăm công khai, minh bạch.

Càng hiểu được cách bán hàng, càng có cơ hội trở thành người tiêu dùng thông minh. Điều tuyệt vời nhất là người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ đều có thể cùng nhau chia sẻ những giá trị để làm cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Đó sẽ là mối tương tác bền chặt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước