Điểm tuần: Người lớn đừng là "tấm gương vỡ" cho con trẻ!

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 20/06/2020 13:18 GMT+7

VTV.vn - Giáo dục trẻ em bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp không cần qua đào tạo. Nhưng trớ trêu thay, nó cũng lại là phương pháp khó nhất.

Người lớn nhiều khi lại quá cố chấp rồi làm "gương vỡ"

Mạng xã hội tuần vừa qua không khác gì chuyên mục "Đi tìm người thân". Những anh chị em song sinh nhưng khác giới tính được người dùng nghịch ngợm tạo ra từ phần mềm tự động.

Giống như mấy trò chơi của trẻ nhỏ, hóa ra người lớn cũng rất thích hóa thân thành người khác. Nhưng nó chỉ dừng ở việc biến đổi dung mạo mà thôi. Còn với trẻ nhỏ thì là để học hỏi và dần hình thành những kĩ năng sống - thứ mà chính người lớn nhiều khi lại quá cố chấp rồi làm "gương vỡ" cho trẻ nhỏ.

Điểm tuần: Người lớn đừng là tấm gương vỡ cho con trẻ! - Ảnh 1.

Giáo dục bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp không cần qua đào tạo. Chẳng cần thời khóa biểu và cũng không tốn nhiều công sức. Hiệu quả thì khỏi phải bàn: trực quan và lan tỏa. Nhưng trớ trêu thay, nó cũng lại là phương pháp khó nhất. Không phải đến từ người học, mà chính là người dạy. Con ngoan thì chưa chắc bố mẹ đã ngoan, nhưng con hư thì chắc chắn là bố mẹ chưa ngoan rồi.

Lấy trường hợp như của tài xế dừng ô tô để "hôi của" một chùm vải, nếu một đứa trẻ đang đi trên con đường này, hoặc trực tiếp hơn là ngồi trong ô tô, bé sẽ học được gì từ việc người tài xế rất nhanh nhẹn và nhiệt tình đỗ ngay giữa đường, lao ra khỏi xe và tiến đến đống vải của một người bán hàng vừa bị ngã.

Quá nhanh, quá nguy hiểm, một chùm vải nhanh chóng được người thanh niên nhặt lên và mang vào xe, bất chấp người phụ nữ này kéo tay xin lại. Bài học cho bé là: "Làm trai cho đáng sức trai. Khom lưng quỳ gối. Giật chùm vải rơi". Thế mới thấy nếu hồi còn trẻ mà trốn học thì tai hại thế nào, nhất lại là tiết Giáo dục công dân.

Câu chuyện đáng buồn về bạo hành, xâm hại trẻ em

Một số người lớn có thói quen khá là kì cục. Đó là khi trẻ nhỏ hỏi rất nhiều và rất dài thì thường chỉ miễn cưỡng trả lời rất ngắn. Nhưng khi bị những người lớn khác hỏi một câu rất ngắn là "Tại sao lại làm thế?" thì sẽ kể ra một tràng rất dài với đủ thứ lý do biện hộ. Và họ thường chốt lại bằng thông điệp: "Cuộc sống nó khó khăn!".

Lại chợt nhớ đến một câu nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống". Rất tiếc là có những người làm cha làm mẹ thậm chí chẳng bảo giờ chịu nhìn vào mắt con, chí ít là để nhận ra được sự sợ hãi tột độ ở trong đó.

Điểm tuần: Người lớn đừng là tấm gương vỡ cho con trẻ! - Ảnh 2.

Những vết thương xót lòng của một đứa trẻ bị mẹ bạo hành

Dễ nhận thấy rằng nhiều người lớn vẫn nghĩ: con mình là mình có quyền. Khả năng cao là nó di truyền từ chính hành động của thế hệ trước và sẽ còn được di truyền tiếp. Môi trường gia đình như vậy cũng bởi lối nhận thức của xã hội về các hành vi xâm hại tới trẻ nhỏ.

Ví dụ điển hình là trường hợp này cách đây 2 ngày khi trong một thang máy chung cư ở Hà Nội, một người đàn ông lớn tuổi đã liên tiếp có hành vi lấy chân dúi liên tiếp vào bộ phận nhạy cảm của một bé trai 6 tuổi. Sự việc xảy ra khiến cháu bé hoảng loạn, không dám kể ngay với gia đình. Tới sáng hôm sau, mới đủ bình tĩnh kể lại với mẹ.

Bé trai bị dâm ô trong thang máy chung cư giữa Hà Nội Bé trai bị dâm ô trong thang máy chung cư giữa Hà Nội

VTV.vn - Một người đàn ông đã có hành vi dâm ô, dùng chân đá vào bộ phận nhạy cảm của bé trai trong thang máy chung cư FLC Garden City Đại Mỗ.

Điều đáng buồn là khi vụ việc được đăng tải trên báo chí thì một số người lớn bình luận rằng: "Đó chỉ là hành vi trêu đùa thôi mà, có gì đâu mà nghiêm trọng".

Điểm tuần: Người lớn đừng là tấm gương vỡ cho con trẻ! - Ảnh 4.

"Chỉ là trêu ý mà"

Khi gia đình cháu bé đến trình báo chính quyền địa phương thì câu hỏi mà gia đình nhận được nhiều nhất lại là "Gia đình muốn xử lý thế nào?" chứ không phải là "Chúng tôi sẽ đi xử lý".

Nếu thực sự có cha mẹ nào chứng kiến con mình bị một người đàn ông lạ mặt làm những hành động như trên mà vẫn có thể nói: "Chỉ là trêu ý mà" thì đó quả là những bậc cha mẹ quá "dũng cảm" và tự tin.

Nếu mẹ An quay lại nhận con?

Tạm gác lại những câu chuyện về xâm hại trẻ nhỏ. Một trường hợp khác đặt ra là nếu những người làm cha làm mẹ không còn xứng với danh xưng đó thì sao? Ví dụ nếu đến mức vứt bỏ, mà là vứt bỏ để cho không thể sống được, chứ không phải nhờ người khác nuôi thì sao?

Điểm tuần: Người lớn đừng là tấm gương vỡ cho con trẻ! - Ảnh 5.

Bé An vẫn đang được các bác sĩ theo dõi sức khỏe 24/24h

An – em bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga 3 ngày nhưng vẫn may mắn sống sót, được tìm thấy vào tuần trước. Sang đến tuần này, sức khỏe của An vẫn đang là thử thách với các y bác sĩ. Rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã quyên góp tiền cho bé và hiện bệnh viện đang đứng ra để tiếp nhận, cất giữ, chờ ngày trao trả cho người giám hộ của An.

Một giả thiết đặt ra là nếu mẹ của An thực sự đã vứt bỏ con mình dưới hố ga. Và giờ người phụ nữ đó bỗng xuất hiện để xin nhận con thì sao. Dĩ nhiên khi đó thì số tiền không nhỏ được quyên góp kia, cũng sẽ được đưa lại cho chính bà mẹ này. Khoan nói đến chuyện động cơ, tương lai của An liệu sẽ thế nào khi trở về tay của một chiếc gương đã vỡ?

Hãy quên khái niệm một chiều "người lớn là tấm gương cho trẻ nhỏ"

Nếu trường hợp của An đúng là do người thân sinh đã vứt bỏ em thì cũng phải là chuyện lạ. Nhìn vào con số thống kê thì theo báo cáo năm 2018 của Bộ LĐTBXH, Việt Nam có hơn 150.000 trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị bỏ mặc và trẻ mồ côi. Còn nếu nhìn vào lịch sử văn hóa loài người thì chuyện vứt bỏ con có đầy trong các cuốn sách.

Trong câu chuyện cổ tích "Hansel và Gretel" của anh em nhà Grimm, 2 đứa trẻ cũng bị bà mẹ hết lần này đến lần khác tìm cách vứt bỏ vào trong rừng, mặc cho thú dữ ăn thịt.

Nhưng có lẽ ít ai nhớ đến cái kết của câu chuyện khi 2 anh em thoát được mụ phụ thủy trong căn nhà kẹo ngọt. Chúng đã mang hết ngọc ngà châu báu lấy được từ mụ phụ thủy và tìm đường về nhà đưa cho bố mẹ cùng với cái ôm.

Đó mới là bài học lớn nhất dành cho người lớn từ câu chuyện này: trẻ em mới là những người luôn biết nhận lỗi và tha thứ.

Hãy quên khái niệm một chiều "người lớn là tấm gương cho trẻ nhỏ" đi. Câu chuyện về cậu bé lớp 6 đội mưa nhặt rác khơi miệng cống là chiều còn lại.

'Hiện tượng MXH' đội mưa nhặt rác: Thấy đường không còn ngập nữa em rất vui "Hiện tượng MXH" đội mưa nhặt rác: Thấy đường không còn ngập nữa em rất vui

VTV.vn - Vẫn đồng phục học sinh, lưng đeo ba lô, mặc cho trời mưa, Đạt dừng xe tại các cống trên đường đi học về để nhặt rác, khơi thông dòng chảy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước