An không phải đứa trẻ duy nhất bị bỏ rơi ngay giữa những ngày đầu tháng 6 - tháng bảo vệ trẻ em
Đó là những ngày mà nhiệt độ Hà Nội quẩn quanh ở những con số xấp xỉ 40 độ, vừa oi nồng, nóng nực vừa chờ chực để gọi mưa dông. Và đó cũng là những ngày mà trên các mặt báo, trang mạng xã hội, ngập tràn tin tức về những đứa trẻ với đủ cung bậc cảm xúc để chúng ta nghĩ nhiều hơn về việc "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng - chống xâm hại trẻ em" - chủ đề của tháng hành động vì trẻ em năm nay.
Trẻ tò mò về giới tính - truy trách nhiệm hay rõ nhận thức?
Tôi có cậu con trai hơn 5 tuổi. Chỉ cách đây chưa đầy 1 tháng, tôi đã gần như "đứng hình" khi ngay trước giờ đi ngủ, con thủ thỉ kể: "Mẹ ơi, khi con xem phim hoạt hình, thấy bạn nữ, ch... con to lên". Vẫn luôn tin mình là người mẹ đủ kiến thức để chia sẻ, dạy dỗ con vấn đề giới tính, nhưng đó là giây phút tôi nhận ra khoảng cách giữa lý thuyết và giải quyết thực tế, nhất là khi bị thụ động trong lần đầu tiên, cách nhau xa đến thế nào. Tôi đã khá khó khăn, luẩn quẩn để tìm cách giải thích cho một cậu bé hơn 5 tuổi hiểu được và hiểu đúng về sự phát triển giới tính đang lớn lên trong mình. Nhưng, tôi thấy may mắn vì con đã nói và mình có cơ hội để giải thích về câu chuyện này.
Ngạc nhiên, bất ngờ thậm chí là sốc, khó chấp nhận… cũng là sẽ là một trong rất nhiều cảm xúc của không ít người, bao gồm cả bậc phụ huynh như tôi trước lời nói, hành động tò mò về giới tính của những đứa trẻ mới chỉ vài tuổi. Lựa chọn ứng xử, giải quyết nó như thế nào sau đó lại càng khó có một mẫu số chung. Câu chuyện về bé trai 4 tuổi tại một trường mầm non ở Hải Phòng có những hành vi tò mò giới tính với bạn cùng lớp xôn xao những ngày đầu tháng 6 này đã được giải quyết bằng quyết định cho thôi việc hai cô giáo. Và chắc chắn, đó là kết quả của việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Ai là người phải chịu TRÁCH NHIỆM vì việc này? Ai sẽ phải chịu XỬ LÝ khi để chuyện này xảy ra trong lớp học?".
Khoan bàn đến sự phù hợp hay chưa phù hợp, hay cái lý - cái tình cho quyết định này, chúng ta thử tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Bé trai sẽ thôi TÒ MÒ VỀ GIỚI TÍNH khi hai cô giáo bị đuổi việc? Bé gái đã được BẢO VỆ và nhận được sự CÔNG BẰNG khi cô giáo nghỉ việc?". Tất nhiên, câu trả lời cho những câu hỏi này cũng lại không có một mẫu số chung với mỗi người, mỗi góc nhìn. Một hành động trong sự phát triển tất yếu và bình thường của một đứa trẻ được TRÁCH NHIỆM HÓA bằng cách nhìn, cách xử lí theo hướng ĐÚNG - SAI của người lớn, khi gia đình - nhà trường không tìm được tiếng nói chung và câu chuyện được đẩy lên mạng xã hội. Vậy nhưng, liệu sau việc giải quyết đúng - sai, những bài học về giáo dục giới tính cho chính bé trai, cho bé gái, cho cả hàng chục học sinh ở lứa tuổi đó sẽ được thay đổi từ cả gia đình và nhà trường?
Tháng 3/2019, tôi từng thực hiện phóng sự về nỗi đau của một bé gái 6 tuổi bị xâm hại tình dục hai lần bởi chính một bé trai hàng xóm chưa đủ tuổi vị thành niên. Kết quả xử lý bằng pháp luật đã không thể đạt được mong muốn về tính CÔNG BẰNG cho cô con gái theo gia đình nạn nhân khi đối tượng xâm hại lại là trẻ em cùng những lỗ hổng về mặt quy định pháp luật. Thế nhưng, điều khiến tôi nhớ nhất lại là hai câu nói cùng chung một khoảng trống về nhận thức của các bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục giới tính cho con. Đó là nỗi sợ em sẽ bị đánh đòn hơn là sợ em bị xâm hại của người chị gái 8 tuổi: "Con sợ bố mẹ đánh em con nên con không kể". Hay niềm tin về một đứa trẻ chưa biết gì của người bà có cháu đi xâm hại: "Nó ngây thơ lắm, có biết cái gì đâu mà. Hẵn còn tắm với em, trong nhà tắm kia kìa…".
Bé gái bị xâm hại bởi chính một trẻ em
Những con số về xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta đang ở mức bạo động. Từ năm 2015 - 2018, đã có 6.432 trẻ em bị xâm hại với 6.337 vụ việc. Và vấn nạn xâm hại tình dục hoàn toàn có thể xảy ra với các em nhỏ ở cả vị trí nạn nhân và người đi xâm hại. Và thay vì đợi để giải quyết nỗi đau bằng câu hỏi TRÁCH NHIỆM thuộc về ai thì việc nâng cao NHẬN THỨC TRÁCH NHIỆM giáo dục giới tính cho con trẻ, xóa bỏ quan niệm "chuyện dễ đùa khó nói" phải được thực hiện ngay từ chính phụ huynh, thầy cô giáo…
An lành nào cho những đứa trẻ bị bỏ rơi?
"MỘT ĐIỀU KÌ DIỆU" - là cảm thán xứng đáng cho câu chuyện về bé sơ sinh sống sót sau 3 ngày bị bỏ rơi ở hố ga dưới tiết trời nắng nóng 40 độ ở Hà Nội. Ngày 8/6, người dân khu vực xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây đã phát hiện em bé bị bỏ rơi dưới hố ga bỏ hoang, trong thời tiết nắng nóng. Khi được phát hiện, em bé rất yếu, khóc yếu ớt, trên cơ thể có nhiều dòi, côn trùng, kiến bám. Nhờ sự chăm sóc của y bác sĩ, em bé đang dần hồi phục. Cái tên An được các bác sĩ đặt cho em như một mong mỏi về sự bình yên, an lành mà em sẽ có được trong tương lai của mình.
Em bé bị bỏ rơi ngày 4/6 tại TP.HCM
An không phải đứa trẻ duy nhất bị bỏ rơi ngay giữa những ngày đầu tháng 6 - tháng bảo vệ trẻ em. Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/6, bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu cho một bé sơ sinh bị bỏ rơi ven đường. Bé được người dân phát hiện bị bỏ rơi ở ven đường tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Trên người bé không có đồ đạc cá nhân, thông tin liên hệ. Bé nặng khoảng hơn 2,5 kg, sức khỏe yếu, rốn chưa cắt hôi hoại tử bốc mùi và có dấu hiệu nhiễm trùng.
May mắn là cả An và em bé đã đến được với cuộc sống này, dù con đường ấy trắc trở hơn bởi chính sự ruồng bỏ của người thân. Gần 2 năm trước, khoảng 21h một ngày tháng 10/2018, tôi nhận được tin về việc một em bé sơ sinh bị rơi xuống từ tầng cao của tòa chung cư, khu chung cư bán đảo Linh Đàm. Sau hơn 4 tiếng khoanh vùng và lần tìm từng căn hộ nghi vấn, cơ quan chức năng đã tìm thấy người ném em bé xuống - chính là mẹ em. Và hình ảnh người mẹ trẻ vào đêm hôm ấy đã không thôi ám ảnh tôi bởi nét mặt bình thản, không cảm xúc khi được lực lượng chức năng đưa khỏi căn hộ lúc quá nửa đêm trong một chiếc áo còn dính máu…
Người mẹ trẻ ném con từ tầng cao ở khu chung cư Linh Đàm
Thật khó để nói về ĐẠO ĐỨC và LƯƠNG TÂM của những người mẹ bỏ rơi, thậm chí là tước đoạt sự sống của con mình khi chính họ chưa ý thức được TRÁCH NHIỆM của bản thân khi sinh ra một đứa trẻ. Rồi, mẹ của An cũng như những người mẹ trẻ ở chung cư khu đô thị Linh Đàm 2 năm trước, sẽ phải đối mặt với những xử lí từ pháp luật. Còn An - giờ em đang nhận được tình thương từ cộng đồng với những sự hỗ trợ rất thật tâm cả về vật chất, tinh thần. Thế nhưng, cơ hội nào để em có được sự gắn kết với chính người mẹ đã sinh ra em? Và nỗi đau bị mẹ ruồng bỏ ngay từ khi mới chào đời, sẽ đến lúc An phải đối mặt khi em trưởng thành. Đáng nói hơn cả là những nỗi đau, tổn thương khi bị bỏ rơi mà An sẽ phải chịu cũng là nỗi đau, tổn thương của gần nửa triệu trẻ em khác trên khắp đất Việt. Khi mà theo thống kê mới nhất, từ năm 2016 - 2018 đã có tới 469.869 trẻ bị bỏ rơi. Những con số này vẫn tiếp tục tăng theo từng năm.
Chủ đề của tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em năm nay là "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng - chống xâm hại trẻ em". Sự bảo vệ các em, những mầm non tương lai của đất nước, trước hết, có lẽ cần phải được bắt đầu từ việc đừng tước đi cơ hội được sống của các em!
Thư nhờ nuôi con của một người mẹ bỏ rơi con
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!