20 giờ ngày 10/08, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học", nhằm cung cấp những kiến thức hữu ích về thuốc sinh học gồm: ai được chỉ định, chi phí, nơi điều trị tốt, hiệu quả của thuốc. Chương trình có sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Da liễu - Thẩm mỹ Da.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích với 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị hiệu quả cho hàng chục ngàn người bị mụn trứng cá, viêm da cơ địa, chàm, vảy nến, thịt dư, mụn cóc, nốt ruồi, sẹo xấu, sạm nám da, xóa xăm,… hiện đang công tác tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung với chuyên môn giỏi, kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị hiệu quả các bệnh viêm da cơ địa, chàm, mề đay, dị ứng, vảy nến, lang ben, zona,… thuần thục các kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại như: ứng dụng laser và ánh sáng trong điều trị, lăn kim, trẻ hóa da, filler, tiêm vi điểm, peel da, HIFU, điều trị sẹo… hiện đang công tác tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Da liễu – Thẩm mỹ Da, điều trị hiệu quả các bệnh về da như: viêm da cơ địa, chàm, vảy nến, thủy đậu, mụn,… và trực tiếp thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu về thẩm mỹ gồm trẻ hóa da, thu gọn gương mặt, ngăn chảy xệ bằng kỹ thuật tiêm botox, tiêm HA với kỹ thuật tiêm BAP (kỹ thuật tiêm mới) giúp ít đau, giảm sưng và hiệu quả tốt hơn. Hiện bác sĩ đang công tác tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của hàng chục nghìn khán giả, rất nhiều câu hỏi, thắc mắc liên tục gửi về. Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn tận tình, giải đáp mọi thắc mắc về vảy nến, nguyên nhân gây bệnh và hiệu quả của phương pháp điều trị bằng thuốc sinh học.
Hiểu sai về bệnh vảy nến
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, vảy nến là bệnh viêm da mạn tính, tiến triển từng đợt, do nhiều gen chi phối qua trung gian miễn dịch. Ngoài ra, một số yếu tố như chấn thương, nhiễm trùng, sử dụng thuốc… có thể làm bệnh khởi phát trên cơ địa di truyền. Tại Việt Nam, vảy nến chiếm khoảng 2% - 3% dân số, bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung giải thích về vảy nến và những sai lầm trong điều trị bệnh.
Cho đến nay, không ít người nhầm lẫn vảy nến với một số bệnh khác như chàm dạng đĩa, chàm tiết bã, vảy phấn hồng, nấm móng nên điều trị sai cách. Đó là chưa kể, vảy nến xuất hiện ở vùng da hở, phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống vảy gàu đến nốt ban lớn,... Những biểu hiện của bệnh làm nhiều người tự ti, ngại giao tiếp, chậm trễ đi khám, từ đó khiến các triệu chứng thêm nghiêm trọng.
Việc thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ giúp đánh giá tình trạng, yếu tố gây bệnh, diện tích tổn thương hiện tại, mức độ hồng ban, độ dày và tróc vảy, các bệnh kèm theo, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Vảy nến cải thiện khi điều trị đúng phương pháp
Điều trị vảy nến cần phối hợp nhiều loại thuốc, phương pháp khác nhau và phác đồ chuyên biệt cho từng trường hợp. Dù là phương pháp nào thì khi ngắt quãng điều trị cũng có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích giải thích về tầm quan trọng của thuốc sinh học trong điều trị vảy nến.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh thuốc uống, thuốc bôi, quang trị liệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh đang ứng dụng thuốc sinh học trong việc ức chế các phản ứng viêm của vảy nến. Thuốc được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên, bệnh nhân tiểu đường, suy thận vẫn có thể sử dụng. Các chống chỉ định gồm các bệnh nhiễm trùng đang hoạt động như lao, nhiễm khuẩn huyết, phụ nữ có thai hoặc đang con bú.
Thuốc sinh học là phương pháp điều trị vảy nến mới nhất hiện nay, nhắm trúng đích hơn với độ an toàn và hiệu quả cao. Nhờ ức chế những thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học không tác động hoặc giảm tác động lên các tế bào, hạn chế tác dụng phụ. Đáp ứng lâm sàng và mức độ cải thiện các triệu chứng rất nhanh, gần như sạch hẳn sang thương, đặc biệt hiệu quả với vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng. Tùy vào diễn tiến bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc sinh học khác nhau để điều trị triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Lưu ý chăm sóc và giữ tinh thần thoải mái
Vảy nến là bệnh mạn tính, có thể thuyên giảm nếu điều trị đúng phương pháp nhưng sẽ tái phát sau đó. Thông thường, bệnh tái phát do stress, tâm lý căng thẳng và có xu hướng cải thiện khi tinh thần thoải mái, vui vẻ. Trường hợp đã mắc vảy nến, người bệnh không nên hoang mang hay lo lắng. Thay vào đó, cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da để được kiểm tra, tư vấn và lên phác đồ phù hợp. Trong quá trình điều trị, nên tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không bỏ dở hoặc tự ý dùng các loại thuốc khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang chia sẻ những lưu ý và cách chăm sóc khi mắc vảy nến.
Theo Thạc sĩ bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể làm giảm hiện tượng viêm, vảy ở người bệnh nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, hoạt động này không được khuyến khích thực hiện vì có thể gây bỏng nếu người bệnh đứng dưới trời nắng quá lâu. Ngoài ra, bỏng nắng có thể làm khởi phát vảy nến và tăng nguy cơ gây ung thư da.
Người bệnh vảy nến nên bỏ thuốc lá, rượu bia; giữ tinh thần thoải mái; duy trì rèn luyện thể dục thể thao; chế độ ăn hợp lý; ngủ đủ giấc; tránh các yếu tố gây nhiễm trùng; chống nắng mỗi khi đi ra ngoài. Có thể cải thiện các triệu chứng bằng cách tắm với nước ấm; sử dụng sữa tắm không có chất tẩy rửa, không xút, dịu nhẹ. Hạn chế chà xát vì có thể gây tổn thương da, làm nặng thêm tình trạng vảy nến. Thoa kem dưỡng ẩm giúp làm mềm da, giảm ngứa.
Với người chưa mắc bệnh, cần tăng cường sức đề kháng, hạn chế các bệnh nhiễm trùng, chấn thương… nhằm tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, chẳng hạn như tiền sử gia đình có người bệnh, cần tầm soát để kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
Gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, bên cạnh cung cấp những thông tin, giải đáp thắc mắc về bệnh vảy nến, hiệu quả của phương pháp điều trị bằng thuốc sinh học, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã chỉ ra những lưu ý trong chăm sóc và phòng ngừa vảy nến. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại tại đây hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 0287 102 6789 - 093 180 6858 (TP. Hồ Chí Minh) và 024 7106 6858 - 024 3872 3872 (Hà Nội) để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!