Thuốc sinh học: thêm "cánh cửa" cho người vảy nến

Đinh Tiên-Thứ năm, ngày 10/08/2023 08:00 GMT+7

A. đang được tiêm thuốc sinh học. (Ảnh: Đinh Tiên)

VTV.vn - BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đưa thuốc sinh học vào điều trị vảy nến giúp nhiều người cải thiện bệnh ngoạn mục.

Bệnh cải thiện rõ sau tiêm thuốc

N.P.A. (18 tuổi, sinh viên năm nhất đại học) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được tiêm thuốc sinh học điều trị vảy nến tại BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Hơn 3 năm nay, A. stress, mặc cảm vì chỗ nào em ngồi rơi rụng vảy trắng từ da đầu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy A. bị vảy nến cần được tiêm thuốc sinh học. Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da chỉ định tiêm thuốc sinh học dưới da bằng thuốc Secukinumab Fraizeron do hãng Novartis (Thụy Sĩ) sản xuất. Sau 1 tuần tiêm thuốc sinh học, các mảng vảy biến mất, da láng mịn trở lại. Tuy nhiên, A. phải tiếp tục tiêm thuốc sinh học đủ liệu trình, trong 1 tháng đầu phải tiêm đủ 4 lần, mỗi lần 2 mũi. Kể từ tháng thứ 2, A. chỉ cần tiêm 2 mũi/1 lần/tháng.

A. rớm nước mắt hạnh phúc vì bệnh vảy nến "đeo bám" em từ năm lớp 10; giờ đây các triệu chứng gần như không còn. Lúc đầu, các mảng vảy chỉ xuất hiện trên da đầu, sau đó lan toàn thân, hiện diện khắp cổ, mặt, bụng, tay, chân… Em điều trị ở nhiều nơi bằng thuốc uống, thuốc bôi nhưng không cải thiện, có nơi không có đủ thuốc sinh học để điều trị… Phải mất nhiều ngày chờ kết quả từ Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, A. mới được thông báo đủ điều kiện để tiêm thuốc sinh học trị vảy nến.

Thuốc sinh học: thêm cánh cửa cho người vảy nến - Ảnh 1.

Vảy nến ở da đầu chị A. trước và sau 1 tuần tiêm thuốc sinh học. (Ảnh: Đinh Tiên)

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết mỗi tuần, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da tiếp nhận khoảng 25 bệnh nhân vảy nến, trong đó nhiều bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc sinh học, bệnh cải thiện rõ sau 1 tuần tiêm thuốc.

Anh Đ.M.H. (38 tuổi, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) cũng là một trong những bệnh nhân đủ điều kiện để tiêm thuốc sinh học trị vảy nến. Anh đã không còn stress, căng thẳng sau 1 tháng tiêm thuốc. Các mảng vảy trên bụng, lưng dần hồi phục và tái tạo da mới. Với hiệu quả này, anh hy vọng thuốc sinh học cũng giúp ba và cô chú của anh sớm "khống chế" được vảy nến.

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo vảy nến là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được, việc sử dụng thuốc sinh học điều trị nhằm mục đích cải thiện tình trạng bệnh, giảm tối đa các triệu chứng và duy trì bệnh ở mức ổn định. Do đó, trong quá trình điều trị bằng thuốc sinh học, người bệnh không tự ý ngưng hay bỏ điều trị, điều này dẫn đến bùng phát bệnh gây biến chứng nặng.

Thuốc sinh học: thêm "cánh cửa" cho người vảy nến

Thế giới có 2% - 3% dân số (khoảng 125 triệu người) mắc bệnh vảy nến. Tỷ lệ này tương ứng tại Việt Nam khoảng 2 triệu người.

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích giải thích vảy nến là bệnh ngoài da mạn tính (kéo dài) không lây, gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Bệnh vảy nến xảy ra khi các tế bào da được thay thế nhanh hơn bình thường. Thông thường, các tế bào da được tạo ra và thay thế sau mỗi 3 – 4 tuần nhưng quá trình này chỉ mất khoảng 3 – 7 ngày ở bệnh nhân vảy nến.

Vảy nến có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 – 30 tuổi và từ 50 – 60 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ. Các nhà khoa học ghi nhận người bị bệnh vảy nến gặp rối loạn về hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, các tác nhân khác như chấn thương da, nhiễm trùng cổ họng và sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra vảy nến.

Thuốc sinh học: thêm cánh cửa cho người vảy nến - Ảnh 2.

Vảy nến xuất hiện chân của một bệnh nhân vảy nến đến điều trị tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM. (Ảnh: Đinh Tiên)

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh vảy nến bao gồm: phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống vảy gàu đến nốt ban lớn khắp cơ thể. Ban có màu khác nhau như: hồng, đỏ hoặc vảy bạc. Người bệnh có thể ngứa rát và đau nhức.

Bệnh vảy nến phổ biến nhưng việc điều trị còn nhiều khó khăn, chủ yếu do người bệnh tự ý ngưng thuốc hay bỏ điều trị khi thấy bệnh ổn định. Việc này khiến bệnh bùng phát dẫn đến biến chứng nguy hiểm: đau đớn, mất ngủ, khó tập trung. Bệnh vảy nến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp vảy nến, u lympho, tim mạch, bệnh Crohn và trầm cảm.

Tính đến nay, thế giới có 4 phương pháp điều trị bệnh vảy nến gồm: thuốc bôi đặc trị vảy nến (soát vảy), liệu pháp quang học, thuốc uống điều hòa miễn dịch và kháng thể đơn dòng còn gọi là thuốc sinh học.

Dựa vào chỉ số PASI, bệnh vảy nến được chia ra 3 mức độ:

Nhẹ PASI: < 10;

Vừa PASI: 10 - < 20;

Nặng PASI: ≥ 20.

Ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh điều trị bằng thuốc bôi và liệu pháp quang học. Ở mức độ trung bình đến nặng sẽ được điều trị bằng thuốc uống điều hòa miễn dịch hoặc thuốc sinh học.

Bác sĩ Bích cho biết thuốc uống ức chế miễn dịch để điều trị vảy nến có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của nhiều cơ quan như: gan, thận, mắt… Trong khi, thuốc sinh học là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng không để lại tác dụng phụ nguy hiểm.

Thuốc sinh học: thêm cánh cửa cho người vảy nến - Ảnh 3.

Móng chân người bệnh bị tổn thương do bệnh vảy nến. (Ảnh: Đinh Tiên).

Có 3 loại thuốc sinh học bao gồm: dạng tiêm dưới da, truyền tĩnh mạch và dạng uống. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh có 2 loại thuốc sinh học là dạng tiêm dưới da Secukinumab Fraizeron (bảo quản lạnh) và dạng truyền tĩnh mạch Infliximab.

Hai phương pháp tiêm thuốc sinh học dưới da hay truyền tĩnh mạch đều hiệu quả giống nhau. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nếu tiêm thuốc sinh học dưới da không đáp ứng thuốc tốt sẽ chuyển qua truyền tĩnh mạch.

Với thuốc sinh học dạng tiêm dưới da sẽ có phác đồ điều trị như sau:

- Liều tấn công thực hiện tiêm 4 lần/tháng, 2 mũi/1 lần tiêm.

- Sau đó người bệnh duy trì điều trị 2 mũi/1 lần/tháng.

- Sau 30 phút theo dõi sau tiêm, người bệnh có thể về nhà.

Ở những bệnh nhân điều trị bằng thuốc sinh học Secukinumab, nồng độ IL-17A (Interleukin) toàn phần trong huyết thanh (IL-17A tự do và IL-17A gắn Secukinumab) ban đầu tăng. Sau đó giảm chậm do giảm sự thanh thải IL-17A gắn Secukinumab, điều này cho thấy Secukinumab bắt giữ có chọn lọc các IL-17A tự do đóng vai trò chủ chốt trong sinh bệnh học của vảy nến thể mảng.

Với thuốc sinh học dạng truyền tĩnh mạch có phác đồ điều trị giống thuốc sinh học tiêm dưới da. Tuy nhiên, phương pháp này dễ gây sốc thuốc, người bệnh cần nhập viện theo dõi sau khi truyền. Liều lượng sử dụng thuốc dựa vào cân nặng của người bệnh (10mg/kg).

Không sử dụng thuốc sinh học khi cơ thể bị viêm sưng hay nhiễm trùng, không sử dụng cho phụ nữ mang thai. Trong quá trình điều trị, chị em cần tránh thai, sau ngưng thuốc 5 tháng mới có thể mang thai, không được hiến máu trong thời gian sử dụng thuốc…

Để kiểm soát được bệnh vảy nến bác sĩ Bích khuyên người dân cần tăng cường sức đề kháng, hạn chế các bệnh nhiễm trùng, chấn thương… ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Với người thuộc nhóm nguy cơ cao như gia đình có người bị vảy nến cần tầm soát, phát hiện và điều trị sớm. Với người bệnh đang điều trị vảy nến cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh ánh nắng mặt trời, vệ sinh da sạch sẽ, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, hạn chế ăn thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ, tăng cường bổ sung thức ăn chứa kẽm và omega 3 từ cá thu, cá hồi…

Thanhnien 640x400

Để giúp người dân hiểu hơn về bệnh vảy nến, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa, đặc biệt về vai trò của thuốc sinh học. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "ĐIỀU TRỊ VẢY NẾN BẰNG THUỐC SINH HỌC" lúc 20h Thứ Năm ngày 10/08/2023, với sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia đến từ Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da:

- TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích

- BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung

- ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang

Chương trình trực tiếp trên:

▪️ Trực tiếp trên Báo điện tử VTV

▪️ Livestream trên ứng dụng VTVgo, các fanpage Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Đài Truyền hình Việt Nam, Ứng dụng xem truyền hình trực tuyến THVLi, fanpage Đài Truyền hình Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn.

▪️ Livestream trên các kênh Youtube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC, Báo Thanh Niên, Đài truyền hình Vĩnh Long.

▪️ Tiếp sóng trên fanpage của Báo điện tử VnExpress, fanpage Báo Thanh Niên.

Ngay từ lúc này độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước