Khi người đau ốm, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng như 1 vị thuốc giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng hơn. Bệnh viện nào cũng có khoa dinh dưỡng để hỗ trợ bệnh nhân trong điều trị bệnh. Nhưng thực tế, nó chưa thực sự được quan tâm đúng mức, khi mà việc chăm lo ăn uống cho bệnh nhân đa phần do người nhà đảm trách.
Dịch COVID-19 bùng phát đặt ra yêu cầu mới về điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trong đó, vấn đề dinh dưỡng tại các cơ sở y tế như BV dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng là ví dụ.
Lập thực đơn riêng cho bệnh nhân COVID-19
Được thành lập gấp rút trên cơ sở một trung tâm y tế tuyến huyện, thời gian đầu, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang mới lo cấp cứu các ca nặng và tiếp nhận bệnh mới thôi đã là quá sức. Nửa tháng sau, vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân bắt đầu được chú trọng khi có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia.
Từ chỗ chưa được áp dụng chế độ ăn bệnh lý, cả tuần nay, các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã có tới 11 thực đơn được thiết lập dành riêng cho từng bệnh. Mỗi suất ăn đều được dán nhãn, ghi rõ tên bệnh nhân và mã theo từng nhóm bệnh.
Cũng từ đề xuất, hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng, bệnh viện đã được trang bị máy xay chuyên dụng để chế biến súp cho bệnh nhân nặng. Năng lực về dinh dưỡng lâm sàng được nâng cao đáng kể.
Kết quả của sự tăng cường, hỗ trợ dinh dưỡng đã giúp bệnh nhân có chuyển biến khả quan về thể trạng, hỗ trợ tích cực cho điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Đã có hơn 100 bệnh nhân ở đây khỏi bệnh, trong đó, 9 người chạy thận nhân tạo.
Bếp dã chiến phục vụ bệnh nhân
Những can thiệp kỹ thuật cao, chuyên sâu như ECMO, lọc máu liên tục, chạy thận nhân tạo để cứu ca bệnh nặng. Còn để chữa khỏi, cần phối hợp các biện pháp khác, trong đó, không thể thiếu vai trò của dinh dưỡng. Vì vậy, cùng bệnh viện dã chiến, bếp dã chiến cũng ra đời. Và "đầu bếp" là những người đã tiếp thu hướng dẫn từ các chuyên gia, cụ thể hóa các chỉ định về dinh dưỡng lâm sàng thành những khẩu phần ăn cho bệnh nhân, góp phần điều trị hiệu quả.
Ngoài nhóm về dinh dưỡng tăng cường từ Bệnh viện Trung ương Huế, bếp ăn dã chiến Hòa Vang còn được sự chi viện từ một số bộ phận khác và hơn 10 tình nguyện viên. Cả bếp hơn 20 người mà công việc cứ luôn tay luôn chân từ 5h sáng đến 21h.
Các món ăn cùng với súp, cháo, cơm của bữa trưa được đóng hộp chuyển vào khu điều trị xong xuôi là các chị lại tranh thủ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa chiều.
Những ngày đầu, tuy chưa áp dụng chế độ ăn bệnh lý nhưng bếp ăn BV dã chiến Hòa Vang cũng phải lo hơn 400 suất ăn canh nóng cơm dẻo cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân mỗi ngày. Đến nay, tuy số lượng suất ăn đã giảm hơn một nửa, các nhân viên tại đây lại phải chuẩn bị chi tiết theo từng chế độ ăn của từng bệnh lý.
Mỗi giai đoạn có những khó khăn riêng, nhưng dù thế nào vẫn luôn có những người thầm lặng ở phía sau, tiếp sức cho tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe, chiến thắng bệnh tật.
Vai trò của dinh dưỡng với bệnh nhân COVID-19
Thay đổi từ nhận thức đến thực hành dinh dưỡng lâm sàng như tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang tuy là tình thế bắt buộc nhưng lại có ý nghĩa trong tương lai. Thông qua việc tiếp nhận kiến thức và kỹ năng từ các chuyên gia về dinh dưỡng, các cơ sở y tế dù nhỏ vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu.
Sắp tới, có thể hướng dần đến toàn bộ việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân đều do bệnh viện đảm nhận để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo giữa người bệnh, người nhà và nhân viên y tế.
Bộ Y tế khuyến khích người dân cần bổ sung chất dinh dưỡng ở các nhóm thực phẩm khác nhau vào bữa ăn hàng ngày cùng với việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân để mỗi người sẽ là "một lá chắn thép" vững chắc trong công cuộc chiến đấu với COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!