Tại một buổi kiểm tra xử lý vi phạm đỗ xe ô tô trên vỉa hè tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, không khó để nhận diện những phương tiện dừng đỗ trái phép vì thực tế đang diễn ra phổ biến, nhất là ở khu vực vỉa hè phía trước các trụ sở cơ quan làm việc của các đơn vị hành chính, doanh nghiệp. Chủ xe nào cũng đưa ra lý do mà bản thân họ cho là chính đáng để giải thích về việc đỗ xe sai chỗ của mình.
Đỗ xe trên vỉa hè, trong nhiều trường hợp đúng là điều bất đắc dĩ vì ở các quận trung tâm nội thành, đất vốn chật người thì đông. Trong khi chỗ đỗ xe lại thiếu nên trưng dụng vỉa hè thành chỗ đỗ xe có thể được coi là tiện và lợi nhất nhưng đó là điều mới chỉ nhìn từ một phía.
Để mà khẳng định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cập kênh của viên đá lát trên vỉa hè sẽ cần phải có kết luận của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế hàng ngày mà ai cũng nhìn thấy đó là những viên đá hứng chịu sức nặng từ những chiếc ô tô với trọng lượng lên đến hàng tấn di chuyển và để ở vỉa hè.
Thấu hiểu điều đó nhất lúc này là những viên đá lát ở vỉa hè đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân. Vốn được coi là tuyến đường kiểu mẫu của thành phố Hà Nội, nhưng qua 6 năm sử dụng, nhiều đoạn đá lát hiện đã bị vỡ hoặc bong tróc đã đành, nay dù mới được duy tu sửa chữa chỉ cách đây khoảng một tháng nhưng giờ tại nhiều vị trí đã xuất hiện tình trạng cập kênh. Một trong các nguyên nhân được Ban Quản lý dự án quận cho rằng, do vừa mới lát xong hàng ngày những ô tô vẫn dừng đỗ thành hàng dài trên vỉa hè.
Theo quy định hiện nay, ngoài những bãi đỗ xe ô tô trên vỉa hè được phía UBND các quận cấp phép với những tuyến phố có độ cắt vỉa hè rộng, nếu đỗ ô tô còn thừa khoảng cách tối thiểu 1,5m cho người đi bộ cũng chưa thể coi là hành vi vi phạm. Vì vậy, những chiếc ô tô dừng dỗ không chỉ là nguyên nhân khiến vỉa hè hư hỏng mà có lẽ lại là phép thử đối với đá lát tự nhiên có độ bền lên đến 70 năm có thực sự đúng như cam kết?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!