Đo pH thực quản phát hiện nguyên nhân gây trào ngược dạ dày

Trịnh Mai-Thứ tư, ngày 05/04/2023 15:32 GMT+7

Các chuyên gia Khoa Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội tham gia tư vấn trực tuyến.

VTV.vn - Phương pháp đo pH thực quản giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân dựa trên số cơn trào ngược axit, tính chất của cơn trào ngược để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Nhịp sống nhanh, vội và nhiều áp lực, thói quen thức khuya, lạm dụng thức ăn nhanh, rượu bia, thuốc lá… khiến tỷ lệ người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 7 triệu người mắc bệnh GERD.

Nhằm giúp người dân có thêm các thông tin y khoa hữu ích về bệnh GERD, những phương pháp hiện đại giúp phát hiện sớm, điều trị bệnh hiệu quả, tối ngày 4/4/2023, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Trào ngược dạ dày thực quản và phương pháp hiện đại đo pH thực quản". Livestream có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ khoa Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa; BSNT Đào Trần Tiến - Phó khoa; BSNT Hoàng Nam.

Triệu chứng bệnh GERD dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Theo các chuyên gia, người khỏe mạnh có thể trào ngược khoảng 40 lần/ngày, đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Trào ngược dạ dày thực quản được xem là bệnh khi hiện tượng trào ngược gây ra các triệu chứng hoặc tổn thương niêm mạc thực quản. Lúc này, người bệnh thường gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản, khiến niêm mạc thực quản bị kích thích, gây triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua, nóng rát sau xương ức, buồn nôn, đau tức vùng thượng vị, khó nuốt, khàn giọng, ho,...

TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, GERD do nhiều nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ thực quản như suy cơ thắt dưới thực quản, thoát vị hoành; hoặc tại dạ dày như viêm dạ dày, hẹp môn vị; áp lực ổ bụng tăng đột ngột khi ho, hắt hơi, gắng sức; phụ nữ mang thai 3 tháng cuối tử cung mở rộng gây chèn ép cơ quan tiêu hóa… Một số nguyên nhân khác gây bệnh là stress, thói quen ăn uống không lành mạnh; thừa cân, béo phì; tác dụng phụ của thuốc; hút thuốc lá; uống rượu bia;... Bệnh ít gặp ở trẻ em. Trường hợp trẻ nhỏ bị các triệu chứng trào ngược có thể do rối loạn co thắt tâm vị, thay đổi sinh lý giải phẫu gây hẹp vị trí thực quản.

BSNT Đào Trần Tiến, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, dẫn tới việc chẩn đoán và điều trị khó khăn. Ước tính khoảng 60% người bệnh có triệu chứng trào ngược. Biểu hiện này có thể gặp ở người viêm loét thực quản, loét dạ dày tá tràng, loét hẹp thực quản hoặc môn vị, các rối loạn chức năng như ợ nóng chức năng hay chứng khó tiêu chức năng, rối loạn nhu động thực quản như co thắt tâm vị… Bên cạnh đó, một người có thể có nhiều rối loạn vận động, là tập hợp của nhiều nhóm bệnh lý chức năng khác nhau: Ở thực quản là bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, ở dạ dày có thể là chứng khó tiêu chức năng, ở đại tràng là hội chứng ruột kích thích. Đôi khi chỉ cần một yếu tố như tâm lý căng thẳng, stress cũng có thể kích thích các rối loạn kể trên xảy ra cùng lúc.

"Để phân biệt bệnh GERD với các triệu chứng trào ngược, bác sĩ sẽ phối hợp đánh giá biểu hiện trào ngược với nhóm triệu chứng khác, sau đó đưa ra chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Nhiều trường hợp có trào ngược nhưng không phải trào ngược axit dạ dày mà là trào ngược hơi, trào ngược dịch kiềm", bác sĩ Tiến lưu ý thêm.

Đo pH thực quản phát hiện nguyên nhân gây trào ngược dạ dày - Ảnh 1.

Theo BSNT Đào Trần Tiến, GERD dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, gây khó khăn trong chẩn đoán, điều trị.

Nếu không được phát hiện đúng nguyên nhân và điều trị tích cực, GERD có thể dẫn tới nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh như viêm tai mũi họng kéo dài, viêm thực quản, hẹp thực quản. Đặc biệt tình trạng GERD xảy ra về đêm có thể gây ngưng thở khi ngủ.

Trả lời câu hỏi của khán giả về triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, TS Khanh cho hay, thực tế có nhiều người mắc co thắt tâm vị lâu năm bị chẩn đoán nhầm thành GERD, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả gây biến chứng tổn thương phổi nặng. Sở dĩ việc điều trị bệnh lý này không phải dùng thuốc giảm tiết axit hay trung hòa dịch vị dạ dày như GERD mà phải nong vị trí hẹp để cải thiện triệu chứng.

TS Khanh nhấn mạnh, ở Việt Nam người mắc GERD tiến triển Barrett thực quản và ung thư thực quản có tỷ lệ thấp. Do cấu tạo Barrett thực quản ở người châu Á thường ngắn dưới 3cm, ít có nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản. Hầu hết các trường hợp ung thư thực quản ở Việt Nam là ung thư biểu mô tế bào vảy do uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá.

Đo pH thực quản phát hiện nguyên nhân gây trào ngược dạ dày - Ảnh 2.

TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh giải đáp về biến chứng của bệnh GERD.

Phương pháp hiện đại đo pH thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có 2 loại, một là có tổn thương tại thực quản, chiếm khoảng 20%; 80% người bệnh không phát hiện tổn thương trên nội soi. Bác sĩ Hoàng Nam cho biết, nội soi không có nhiều giá trị trong chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, phương pháp này có thể loại trừ những bệnh nguy hiểm khác, giúp bệnh nhân không bỏ lỡ cơ hội điều trị như viêm loét dạ dày tá tràng, loét thực quản, ung thư dạ dày, ung thư thực quản.

Đo pH thực quản phát hiện nguyên nhân gây trào ngược dạ dày - Ảnh 3.

Bác sĩ Hoàng Nam nhận định, nội soi không có nhiều giá trị trong chẩn đoán bệnh GERD.

Tại Khoa Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đo pH thực quản với sự hỗ trợ của máy đo pH trở kháng thực quản 24 giờ được xem là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán chính xác bệnh GERD. Dựa trên số cơn trào ngược axit, tính chất của cơn trào ngược, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây ra triệu chứng, từ đó xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán các bệnh liên quan đến thực quản, tiêu biểu là hệ thống máy đo rối loạn vận động thực quản HMR có độ phân giải cao, giúp bác sĩ chẩn đoán loại trừ, phân biệt GERD với các bệnh lý co bóp thực quản gây ra các triệu chứng giả tương tự GERD như co thắt tâm vị…

Trả lời câu hỏi của khán giả về phương pháp phẫu thuật điều trị GERD, Tiến sĩ Khanh cho biết, nếu nội soi phát hiện tổn thương thực quản nặng, người bệnh có thể phẫu thuật cắt cơ thắt thực quản mà không cần đo pH thực quản. Tuy nhiên trường hợp này ít gặp ở người bệnh GERD mà thường gặp ở người bệnh toàn thân như xơ cứng bì, bệnh hệ thống gây tổn thương xơ hóa ở thực quản, làm giảm nhu động thực quản, mất khả năng co thắt ở tâm vị.

Tại livestream, các chuyên gia nhận định, nhiều bệnh nhân điều trị lâu ngày, uống nhiều loại thuốc không thấy thuyên giảm thường có tâm lý căng thẳng, lo âu. Tuy vậy, càng căng thẳng, triệu chứng của bệnh càng tăng. GERD có thể điều trị khỏi nếu người bệnh thay đổi lối sống, sinh hoạt như hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, không hút thuốc lá, bỏ uống rượu bia, không ăn quá no hoặc sát giờ đi ngủ, tích cực rèn luyện thể dục thể thao... kết hợp sử dụng thuốc giảm bài tiết axit dịch vị dạ dày, trung hòa axit thực quản theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước