Doanh nghiệp nỗ lực ổn định việc làm cho người lao động

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/12/2023 21:36 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp hiện đang cố gắng duy trì, ổn định việc làm. Tránh việc sa thải lao động vẫn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm cận Tết.

52 triệu người có việc làm

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường lao động trong nước tiếp tục ghi nhận những gam màu sáng khi số người có việc làm tiếp tục tăng.

Hiện tổng số người có việc làm cả nước là gần 52 triệu người, so với quý II, tăng hơn 87.000 người. Thu nhập của người lao động cũng tăng 146.000 đồng lên mức từ gần 6 triệu đồng đến hơn 8 triệu đồng.

Những lĩnh vực đang gia tăng lao động gồm: bán lẻ, vận tải, sửa chữa ô tô, công nghiệp chế biến, chế tạo… Ngược lại nhóm ngành: xây dựng, y tế và hoạt động kinh doanh bất động sản… đang giảm đáng kể lao động.

Doanh nghiệp nỗ lực ổn định việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động mới đang ngày một nhiều hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Dự báo việc làm năm 2024

Một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động mới đang ngày một nhiều hơn. Các sàn việc làm vì thế cũng phải tăng cường kết nối bằng nhiều hình thức. Kết thúc sàn việc làm kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã có hơn 1.700 lượt người tham dự, trong đó hơn 90% theo hình thức trực tiếp.

Không chỉ đơn thuần kết nối cung - cầu, sàn việc làm cuối năm sẽ là một trong những kênh quan trọng để đo lường, đánh giá, đặt nền móng cho việc điều chỉnh, bổ sung các chính sách lao động - việc làm, một trụ cột quan trọng của an sinh xã hội ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tại các địa phương.

Sau hơn 2 tháng không có việc làm, thay vì hưởng trợ cấp thất nghiệp cho đủ 6 tháng theo quy định, anh Hồ Đức Vinh (Bình Định) quyết định tìm việc làm mới.

Từ cuối quý III năm nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương trong đó có những ngành có mức thâm dụng lao động cao, bắt đầu khôi phục hoạt động trở lại để đáp ứng đơn hàng giao vào quý I/2024. 70% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông, nhưng để tuyển được người lại không hề dễ.

"Hàng tháng doanh nghiệp cần tuyển dụng khoảng 4.000 lao động, tuy nhiên tình hình tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn không đủ công nhân để sản xuất", ông Dương Tấn Minh, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương, cho biết.

Tâm lý chờ qua Tết Nguyên đán mới kiếm việc làm mới đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Bộ gặp khó trong tuyển dụng. Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại đối diện với thách thức khác. 

"Theo từng ngành nghề, nhu cầu của người lao động, thành phố sẽ có những chính sách khác nhau để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động thực hiện một cách hiệu quả nhất trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp", bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Bên cạnh đó, với xu thế dịch chuyển lao động về các địa phương, thay vì tập trung tại một số địa bàn trọng điểm, việc liên thông cơ sở dữ liệu trên toàn quốc cũng sẽ gia tăng hiệu quả kết nối lao động - việc làm.

Ổn định thị trường lao động

Còn ở 9 tỉnh, thành phía Bắc gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, những tháng cuối năm, dự báo tình hình thiếu việc vẫn tiếp tục căng thẳng, do nhiều doanh nghiệp còn chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì, ổn định việc làm. Tránh việc sa thải lao động vẫn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm cận Tết.

Công ty Cổ phần Nam Tiệp, Nam Định, đã bắt đầu có đơn hàng đến hết quý I năm 2024. Điều này khiến nhiều người lao động vô cùng phấn khởi vì được tăng ca trở lại. Theo doanh nghiệp, đây được xem là cả một sự nỗ lực để đảm bảo mức lương ổn định cho người lao động từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đã cam kết không sa thải lao động vào thời điểm cuối năm.

Dù nỗ lực đến mấy, vẫn có một lượng công nhân thiếu việc làm, vì vậy kết nối việc làm cho những người phải nghỉ việc cũng là câu chuyện cấp bách. Thời điểm này, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các hình thức tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm trực tiếp và trực tuyến.

Doanh nghiệp nỗ lực ổn định việc làm cho người lao động - Ảnh 2.

Thị trường lao động năm 2024 sẽ khởi sắc hơn khi nhiều doanh nghiệp đã chốt được đơn hàng vào năm tới và đầu tư nước ngoài dự báo tăng mạnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Dự kiến từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Dự báo TP Hồ Chí Minh cần khoảng 81.000 lao động và TP Hà Nội cần tuyển khoảng 40.000 lao động.

Theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường lao động năm 2024 sẽ khởi sắc hơn khi nhiều doanh nghiệp đã chốt được đơn hàng vào năm tới và đầu tư nước ngoài dự báo tăng mạnh.

Đảm bảo quyền lợi cho lao động khó khăn

Mặc dù, kinh tế đang phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều ngành nghề đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tình trạng cắt giảm giờ làm, tiền lương, thậm chí sa thải lao động vẫn xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có thêm các chính sách để hỗ trợ cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngoài những lao động phổ thông, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường, nhu cầu của khách hàng, nên doanh nghiệp sẽ yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên. Để đáp ứng được điều này, phía người lao động cần tích cực trau dồi kỹ năng, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu của các doanh nghiệp.

Thị trường phía Nam rốt ráo tuyển lao động Thị trường phía Nam rốt ráo tuyển lao động

VTV.vn - Nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động đã được các địa phương phía Nam triển khai, tập trung nhất là việc xây dựng dữ liệu dùng chung về nhu cầu tuyển dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước