Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào H'Mông ở Hà Giang

Hoài Lương (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 07/10/2020 09:38 GMT+7

VTV.vn - Những năm gần đây, Lễ hội Gầu Tào được tổ chức như một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang.

Năm nay, thay vì tổ chức vào mùa xuân như truyền thống, lễ hội đã được tổ chức vào thời điểm khi lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thangHoàng Su Phì.

Để bắt đầu lễ hội Gầu Tào, điều đầu tiên là phải chọn được một cây nêu. Bởi nơi nào dựng cây nêu, nơi đó được chọn làm nơi tổ chức lễ Gầu Tào.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào HMông ở Hà Giang - Ảnh 1.

Cây nêu được chọn không bị cùng ngọn, nghĩa là cây nhỏ, liền mạch từ gốc đến ngọn, không bị gãy. Lúc chặt, cây đổ phải hướng về mặt trời. Một cây nêu tiêu chuẩn phải dài khoảng 7 mét.

Một bó đậu, một bó lúa, một chai rượu và một con gà là những đồ lễ sẽ được treo lên cây nêu. Sau khi cúng xong, mọi người sẽ trèo lên cây này, ai giỏi trèo được, lấy được con gà, chai rượu này thì đó là phần thưởng. Con gà tượng trưng cho sự may mắn, còn chai rươụ là tượng trưng cho hạnh phúc.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào HMông ở Hà Giang - Ảnh 2.

Toàn cảnh Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai. Ảnh minh họa

Người H’Mông tin rằng cây nêu có thể giúp họ kết nối trời và đất. Leo được lên ngọn nêu, nghĩa là hái được lộc trời cho cả năm mạnh khoẻ, sung túc. Chính vì thế, tất cả thanh niên trong bản đều rất háo hức tham gia hoạt động này.

Khi cây nêu đã được dựng lên là lúc bắt đầu lễ hội. Người mở màn cho lễ hội luôn là thầy cúng với nghi lễ cầu xin thần linh cho phép bắt đầu lễ hội.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào HMông ở Hà Giang - Ảnh 3.

Đồng bào dân tộc Mông chuẩn bị dựng cây nêu. Ảnh minh họa

Cuộc thi leo cây nêu hái lộc cũng được thực hiện ngay sau đó. Cuộc thi không quy định thời gian, khi nào với được miếng vải đỏ trên ngọn cây là kết thúc nhưng bắt buộc phải lấy bằng được trong ngày. Gà và rượu sẽ được người thắng cuộc chế biến và mời mọi người cùng ăn với mong muốn chia sẻ vận may cho tất cả mọi người.

Đó không chỉ là niềm vui của người trực tiếp trèo lên được đỉnh ngọn cây nêu, lấy được lễ vật của thần linh mà còn là của tất cả người dân trong bản, trong xã. Bởi họ tin rằng, thần linh đã đồng ý để ban cho họ một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống sung túc.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào HMông ở Hà Giang - Ảnh 4.

Phần hội của lễ hội Gầu Tào là các tiết mục văn nghệ dân gian và không thể thiếu các hoạt động thể thao và trò chơi truyền thống của người dân tộc Mông như bắt vịt, nhảy gậy…

Đến với lễ hội Gầu Tào năm nay, người dân tộc Mông cũng tranh thủ mang đến đây những loại nông sản để giới thiệu với du khách.

Lễ hội Gầu Tào là nơi để mọi người tụ họp, cùng nhau múa khèn, giao lưu thắt chặt tình làng nghiã xóm. Quan trọng hơn, đây là dịp để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, con người ngày càng sung túc, mạnh khỏe, hạnh phúc. Chính vì thế, lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân tộc H’Mông.

Ngoài ra, lễ hội này còn là để tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, tăng cường quảng bá với du khách về lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của huyện Hoàng Su Phì.

Mê mẩn vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải Mê mẩn vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải Ngỡ ngàng vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín Ngỡ ngàng vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín Mê đắm mùa tam giác mạch ở Hà Giang Mê đắm mùa tam giác mạch ở Hà Giang

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước