Đợt lũ tháng 10 vừa qua làm gần 200 ha rau màu của người dân trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị mất trắng. Tuy vậy, vốn chịu thương chịu khó, không ngồi trông chờ ỷ lại. Người nông dân đã kịp thời khắc phục khó khăn, ra đồng sản xuất.
Ông Hồ Sỹ Thanh, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà cho biết: "Bằng nguồn vốn của gia đình và sức lực của hai vợ chồng, cố gắng làm để cải thiện lại kinh tế gia đình"
6 tỉnh miền Trung hiện có hơn 2.600ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, gần 750km kênh mương bị hư hỏng và bồi lấp. Vấn đề cơ bản nhất bây giờ là khắc phục để sản xuất.
"Huy động tất cả những lực lượng từ tỉnh đến cơ sở để tập trung vệ sinh môi trường cũng như cải tạo lại bồi lấp. Những chỗ bồi lấp sâu thì chúng ta chuyển qua trồng những cây hoa màu có hiệu quả cao hơn" - ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tiến hành tổ chức hội nghị để bàn về những giải pháp thúc đẩy, phục hồi sản xuất nông nghiệp, các vấn đề về quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao...
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Chúng ta dồn sức lực tổng thể cả nguồn nhân lực, vật lực để thúc đẩy nhanh hơn công tác phục hồi bao gồm các nhóm biện pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tăng gia sản xuất các nhóm đối tượng ngắn ngày. Đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nông thôn theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan".
Để người dân tạm ổn định sản xuất từ nay cho đến Tết nguyên Đán. Bộ NN&PTNT cùng với các ban ngành, doanh nghiệp, bước đầu đã hỗ trợ các loại giống cây trồng vật nuôi ngắn ngày. Tuy nhiên, lâu dài rất cần chính phủ hỗ trợ các nhóm cơ chế chính sách, nguồn lực về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bởi thiệt hại quá lớn với các tỉnh miền Trung chưa có thể khắc phục một sớm, một chiều được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!