Đồng Tháp: Bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một

Duy Tuấn-Thứ ba, ngày 21/03/2023 19:52 GMT+7

VTV.vn - UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra Kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề với mục tiêu bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền.

Trong năm 2023, UBND tinh Đồng Tháp đặt mục tiêu công nhận ít nhất 2 làng nghề, 1 nghề truyền thống; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP. Cùng với đó, phát triển 2 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; 100% các làng nghề được công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đồng Tháp: Bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một - Ảnh 1.

Làng nghề hoa giấy tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung được UBND quyết định công nhận năm 2022.

Ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay phát triển khá đa dạng và phong phú, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm: Chế biến và bảo quản nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh sẽ bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền gồm: 7 làng nghề (làng nghề đan lờ, lợp; đan cần xé, đan bội huyện Lai Vung; đan lưới, đan thúng rổ huyện Lấp Vò...); 9 làng nghề truyền thống như đóng xuồng ghe huyện Lai Vung...; 4 làng nghề đan mê bồ thành phố Cao Lãnh; 4 làng nghề sản xuất bột thành phố Sa Đéc…

Để làng nghề được bảo tồn phát huy hiệu quả, tỉnh đề ra mục tiêu trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; có 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; ít nhất 20% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Cùng đó, tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ...; giới thiệu, phổ biến các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích phát triển ý tưởng sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp để phát triển sản phẩm nghề truyền thống thông qua chương trình khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, học sinh; tập trung đầu tư phát triển 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước