Đột quỵ mùa lạnh: Cảnh báo và tầm soát hiệu quả bằng công nghệ cao

P.V-Thứ ba, ngày 19/12/2023 08:00 GMT+7

Chương trình tư vấn sẽ được phát sóng trên các website, ứng dụng, facebook, youtube của nhiều đơn vị báo đài.

VTV.vn - Chương trình tư vấn trực tuyến: "Đột quỵ mùa lạnh: Cảnh báo và tầm soát hiệu quả bằng công nghệ cao" sẽ diễn ra vào lúc 20h, thứ Ba, ngày 19/12/2023.

Càng về cuối năm âm lịch, thời tiết càng chuyển biến lạnh, nhiều nơi rét đậm kéo dài. Các chuyên gia cảnh báo, đây là thời điểm số lượng người bị đột quỵ tăng mạnh, thường cao hơn 15 - 20% so với các tháng còn lại trong năm. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người lớn tuổi và người mắc bệnh nền, nhất là bệnh tăng huyết áp. Theo thống kê, có đến 85% người bị đột quỵ có bệnh tăng huyết áp.

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguy cơ đột quỵ có thể tăng hơn 10% khi nhiệt độ giảm 2,4 độ C trong 24 giờ. Nguyên nhân là do khi bị lạnh, cơ thể sẽ tăng giải phóng các loại hóc môn như adrenaline, noradrenaline, dopamine vào máu để điều khiển các mạch máu co lại, hạn chế tỏa nhiệt, giúp cơ thể giữ ấm tốt hơn. Tuy nhiên, khi các mạch máu co lại làm gia tăng trương lực, huyết áp tăng cao. Tình trạng này càng nguy hiểm với người bệnh xơ vữa động mạch. Hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn tới vỡ mạch máu não, gây đột quỵ xuất huyết não.

Trong mùa lạnh, cơ thể còn tăng cường sản xuất các tế bào hồng cầu và tiểu cầu, khiến cho máu dễ bị vón cục hơn. Ở người thừa cân, béo phì, cao cholesterol, tiểu đường, mắc bệnh suy tim, rung nhĩ…, nguy cơ tuần hoàn máu kém và các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu vốn đang bị co lại sẽ càng dễ xảy ra, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.

Ngoài ra, theo TS.BS Lê Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nhiều người có xu hướng ít vận động trong mùa lạnh, ngại đi tái khám và kiểm soát các bệnh nền có sẵn, đồng thời tiêu thụ các loại thực phẩm giàu năng lượng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ bất ngờ.

TS.BS Tuấn cho biết, tỷ lệ người mắc đột quỵ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, người bệnh đột quỵ có nguy cơ tử vong cao hoặc phải gánh chịu nhiều biến chứng, di chứng nặng nề.

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng hơn 80% trường hợp có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chủ động tầm soát, "truy lùng" các yếu tố này định kỳ bằng các kỹ thuật, công nghệ cao, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng.

Bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi đều nên tầm soát đột quỵ định kỳ, đặc biệt là trong mùa lạnh. Việc này càng cần thiết đối với những người có yếu tố nguy cơ cao như trên 55 tuổi, mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao, dị dạng, phình mạch máu não…), hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết, để tầm soát, phát hiện các bất thường có thể gây ra đột quỵ trên khắp cơ thể (tim, não, mạch máu, các chi, phổi, gene, yếu tố tăng đông, xơ vữa…), y học ngày nay áp dụng các kỹ thuật, máy móc hiện đại chuyên dụng cho từng lĩnh vực.

Ví dụ, tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện có nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại như hệ thống chụp MRI 3 Tesla, CT 768 lát cắt, chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA cao cấp… giúp đánh giá, khảo sát toàn bộ cấu trúc, chức năng, nhu mô não và mạch máu não. Các thiết bị này có thể phát hiện được những bất thường rất nhỏ ngay cả khi chưa hoặc không có triệu chứng như cục máu đông, dị dạng, hẹp, phình mạch máu não…

Các hệ thống máy siêu âm tổng quát Acuson Sequoia, siêu âm Doppler, X-Quang kỹ thuật số treo trần cao cấp… giúp khảo sát toàn bộ cơ thể, tập trung vào những vùng có thể chứa các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như ngực, bụng, các chi, mạch máu... Ngoài ra, các máy xét nghiệm máu chuyên biệt, kỹ thuật khảo sát gene đánh giá nguy cơ xơ vữa mạch đa vị trí, nguy cơ tăng đông… cũng giúp truy tìm các bất thường nhỏ, hiếm gặp.

Tất cả những thắc mắc liên quan sẽ được các chuyên gia hàng đầu trực tiếp giải đáp trong chương trình tư vấn "Đột quỵ mùa lạnh: Cảnh báo & tầm soát hiệu quả bằng công nghệ cao", như: Vì sao đột quỵ dễ xảy ra vào mùa lạnh? Ai dễ có nguy cơ cao bị đột quỵ? Nên làm gì để phòng tránh đột quỵ mùa lạnh hiệu quả? Các kỹ thuật hiện đại giúp tầm soát đột quỵ là gì? Làm sao truy vết các bất thường dù nhỏ nhất?

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu về thần kinh, đột quỵ thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

TS.BS Lê Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

ThS.BS Lê Thế Phi - Bác sĩ khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Ngay bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp ngay trong chương trình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước