Từ ngày 14/7 đến nay, Thành phố Hà Nội đã thiết lập 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ của Thủ đô để kiểm soát nghiêm ngặt mọi hoạt động của các phương tiện và người ra vào Hà Nội, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Vậy nhưng, bất chấp yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, thời gian qua, không ít đối tượng vẫn liên kết, tạo thành những hội nhóm trên Facebook, Zalo để hành nghề đưa đón người ra vào trái phép trên địa bàn Hà Nội.
Từ thông tin của người dân cung cấp, nhóm phóng viên đã vào cuộc thâm nhập thực tế, vạch trần những thủ đoạn, hành vi của một số đối tượng trong các đường dây này. Một trong những chiêu thức đó là việc lợi dụng xe "luồng xanh" để đưa đón người, nhằm trục lợi từ việc thu giá cao gấp cả chục lần so với ngày thường.
Dùng xe tải luồng xanh chở khách "chui" ra vào Hà Nội
Chiều 10/9, qua nhiều đầu mối, phóng viên đã liên lạc được với một người chuyên nhận đưa đón khách "chui" ra - vào địa bàn Hà Nội. 1,5 triệu đồng là mức giá mà người này đưa ra cho hành trình 80 km từ Hà Nội về Ninh Bình nhưng phải đi ghép với một người nữa.
"Anh đi qua trạm chốt chưa? Em đón anh ở bên này chốt. Em chỉ lấy anh 500K thì về đến ngã ba Gia Viễn - Ninh Bình. Một chuyến thời buổi này đi qua trạm 1,5 triệu thì đi làm sao được anh. Đây em gửi bản đồ bảo lái xe đón anh luôn nhé… Anh đón em ở chỗ chợ Cá nhé… Đi xe tải nhé"
Dù hẹn đón khách ở khu vực chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai nhưng lúc này, chiếc xe tải vẫn đang trên đường di chuyển sang Yên Viên, Gia Lâm để đón một người khách khác.
30 phút sau cuộc giao dịch, chiếc xe đến đúng địa điểm đã hẹn trước để đón người. Lúc này trên xe đã có một người phụ nữ, đang trên xe để vượt chốt về quê Thanh Hóa.
Cách chốt kiểm soát khoảng 5 km, tài xế dừng xe, đưa khách xuống ngồi trong thùng xe rồi khóa cửa thì mới tiếp tục di chuyển.
Mặc dù biết hành vi này là vi phạm nhưng vì không có đầy đủ giấy tờ nên người phụ nữ này đành chấp nhận ngồi trong thùng xe để đi "chui" ra khỏi địa bàn Hà Nội.
Chuyến xe "chui" chở người thông chốt đã không được diễn ra trót lọt vì tất cả hành trình của chiếc xe đã được nhóm phóng viên bí mật ghi hình. Sau khi nhận được tin báo, các cán bộ cảnh sát giao thông tại chốt kiểm soát trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã lập tức kiểm tra xe tải này.
Khi hành vi vi phạm bị phát giác thì cũng lúc một màn kịch được tài xế và người khách đi trên chuyến xe này vẽ ra.
"Anh đón chị này ở đâu ra?
Ở Gia Lâm.
Anh thu bao nhiêu tiền?
Không thu tiền ạ.
Lý do gì mà anh lại chở chị như thế?
Đi nhờ".
"Người ta có thu tiền của chị không?
Không. Người ta không thu.
Tôi không nói sai. Nếu mà nói sai trời đánh vào chỗ phạm".
Vậy mà sau đó, trong bản tường trình tại Công an xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, người phụ nữ này lại thừa nhận chi phí cho chuyến hành trình vượt chốt là hơn 1 triệu đồng.
Vì là tuyến cao tốc huyết mạch nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện vận tải "luồng xanh" lưu thông qua chốt kiểm soát trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 14, việc kiểm tra toàn bộ thùng xe tải di chuyển qua đây là điều không khả thi vì có thể gây ùn tắc. Lợi dụng kẽ hở đó, không ít đối tượng đã trục lợi, thu mức phí rất cao để đưa người từ vùng dịch ra các tỉnh khác và ngược lại.
Dùng giấy đi đường chở thiết bị y tế để chở người ra vào Hà Nội
Không chỉ lợi dụng xe "luồng xanh" để chở người "chui", thời gian qua, các đối tượng còn có một thủ đoạn khác để đưa đón khách trái phép là sử dụng giấy đi đường chở hàng thiết bị y tế để chở người.
Khoảng 17h ngày 14/9, một chiếc xe di chuyển qua chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1A cũ ở Quán Gánh - huyện Thường Tín - Hà Nội. Theo thông tin trên giấy đi đường, tài xế là nhân viên giao hàng của Công ty TNHH TM và Thiết bị Y tế Vũ Phạm.
"Giấy đi đường này thì xe bọn em chỉ chở hàng nhỏ lẻ, giao khẩu trang y tế, kính chắn bọt, kính chắn mặt thôi. Giả dụ đi giao hàng cùng em phải đúng giấy thì em mới chở mà chỉ chở đúng một người thôi" - anh Lê Văn Hiếu, tài xế chở khách nói.
Nói thì như vậy nhưng lại không đi đôi với làm vì trong thời điểm giãn cách xã hội, tài xế này còn có một công việc khác.
Vì có giấy đi đường thể hiện là nhân viên đi giao hàng thiết bị y tế nên tài xế tỏ ra tự tin trong suốt quãng đường di chuyển và không ngần ngại chia sẻ về cách thức chở người trái phép của mình.
Cũng theo tiết lộ của tài xế này, từ đầu mùa dịch đến nay, việc chở người ra - vào Hà Nội trên cung đường từ Hà Nội đi Hà Nam, Ninh Bình… đã diễn ra nhiều lần. Thậm chí, tài xế còn hướng dẫn khách đi xe cách khai báo gian dối khi vào chốt kiểm soát của tỉnh Hà Nam: "Hỏi từ đâu vào thì bảo là Phú Xuyên nhé. Đừng bảo nội thành Hà Nội nhé. Phú Xuyên là vùng xanh. Nội thành Hà Nội là vùng đỏ".
Vậy là cứ thế, chiếc xe của tài xế này có thể lưu thông đi khắp 6 tỉnh, thành như thông tin đã ghi trên giấy đi đường.
Bất thường việc cấp giấy đi đường cho tài xế chở thiết bị y tế ra vào Hà Nội
Sau khi có đầy đủ thông tin về dấu hiệu vi phạm dùng giấy đi đường chở thiết bị y tế để chở người của tài xế, nhóm phóng viên đã phối hợp với chốt kiểm soát giao thông trên Quốc lộ 1A cũ, ở Quán Gánh huyện Thường Tín để ghi hình lại quá trình kiểm tra giấy đi đường. Quá trình xác minh tiếp tục cho thấy có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc cấp giấy đi đường cho trường hợp này.
Tờ giấy đi đường là thứ để đảm bảo cho anh Hiếu được tham gia giao thông trong thời gian giãn cách. Theo thông tin trên giấy, ngày cấp là 17/8/2021.
Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH TM và Thiết bị y tế Vũ Phạm cho biết: "Công ty có cấp giấy đi đường vào ngày 17/8 cho nhân viên Hiếu. Đây là nhân viên hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, công ty không ghi thời hạn giấy đi đường".
Vậy ai là người điền thông tin vào tờ giấy đi đường của doanh nghiệp khi giấy có thời hạn lên đến 30 ngày và phạm vi di chuyển tại khắp 6 tỉnh thành ở miền Bắc?
Thời điểm đi qua chốt kiểm tra, trước máy quay ghi hình công khai, tài xế này luôn một mực khẳng định về tính hợp pháp của tờ giấy đi đường được đóng dấu đỏ trong tay.
Vây nhưng, dưới camera giấu kín, chính tài xế có tên trong giấy đi đường này, trong một chuyến xe chở khách "chui" từ Hà Nội ra ngoại tỉnh tiết lộ phải nộp 4 triệu đồng để có được giấy đi đường có thời hạn 30 ngày.
Để làm rõ quá trình cấp giấy đi đường cho anh Hiếu, chiều 15/9, phóng viên đã về UBND xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên. Mặc dù thông tin trên giấy đi đường ghi địa chỉ công ty nằm trên địa bàn xã nhưng thực tế, lãnh đạo UBND xã Tri Trung cho biết, địa chỉ công ty hoạt động lại ở địa bàn khác.
Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH TM và Thiết bị y tế Vũ Phạm, cho hay: "Chúng tôi chỉ cấp giấy đi đường một ngày 17/8. Đến ngày 22/8, nhân viên có biểu hiện không tốt nên công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động".
Chấm dứt hợp đồng nhưng không đồng nghĩa là công ty đã hết trách nhiệm. Vì trong thời gian qua, khó ai biết được, đã có bao nhiêu chuyến xe "chui" được anh Hiếu chở người ra vào địa bàn Hà Nội nhờ vào tấm giấy thông hành này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!