Đưa những ký ức thiêng liêng trở về bên gia đình các liệt sĩ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/07/2022 20:38 GMT+7

VTV.vn - Dù chỉ là bản chụp những dòng chữ và ký ức, song đó cũng là cách những người liệt sĩ được trở về đoàn tụ với người thân, hơn nửa thế kỷ sau khi hy sinh.

Trong công cuộc trường kỳ giải phóng dân tộc, đã có hàng triệu gia đình Việt Nam tiễn cha, tiễn con, tiễn những người thân yêu của mình đi chiến đấu rồi từ đó không bao giờ gặp lại được nữa ngoài tấm giấy báo tử.

Nhưng nhiều gia đình thân nhân không hề hay biết rằng: ở phía bên kia bán cầu, có một phần ký ức của các liệt sĩ có thể đang nằm đâu đó trong kho lưu trữ của quân đội Mỹ đang chờ được đánh thức. Đã có nhiều nỗ lực từ thế hệ sau để đưa những ký ức thiêng liêng này trở về bên gia đình.

Đưa những ký ức thiêng liêng trở về bên gia đình các liệt sĩ - Ảnh 1.

Dù chỉ là bản chụp những dòng chữ và ký ức, song đó cũng là cách những người liệt sĩ được trở về đoàn tụ với người thân

Lá đơn xin vào Đảng của liệt sĩ Hoàng Văn Hội viết ngay trước khi hy sinh vào ngày 5/4/1971 tại Campuchia. Hình ảnh lá đơn này đã nằm trong kho lưu trữ của Mỹ suốt hơn nửa thế kỷ cho đến một ngày tháng 7 vừa rồi được đưa về cho gia đình.

Không ai tin rằng sau chừng ấy thời gian, họ lại có thể nghe được những thông tin từ người đã khuất. Đặc biệt hơn, bộ hồ sơ còn có vị trí tọa độ của nơi thu giữ giấy tờ và hy sinh của liệt sĩ Hoàng Văn Hội tại phía Đông thị xã Kongpong Thom, Campuchia, mở ra khả năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà gia đình vẫn luôn ngóng chờ hơn 50 năm nay.

Đây là một trong nhiều trường hợp mà anh Lâm Hồng Tiên đã cất công tìm kiếm từ kho tư liệu đồ sộ về chiến tranh tại Việt Nam trên trang dữ liệu mở của Đại học kỹ thuật Texas, Mỹ. Ai cũng có thể vào xem nhưng để tìm được tác giả của những bức thư và kết nối được với gia đình của họ sau nửa thế kỷ cần rất nhiều công sức và tấm lòng tri ân với những người đã ngã xuống.

Có một người em trai liệt sĩ ở Ninh Bình khóc rất nhiều khi nhìn những dòng chữ của anh trai mình khi hy sinh: "Nếu đang làm dở công tác mà không may tôi hy sinh - các đồng chí hãy báo cho gia đình tôi nhé. Bố tôi mất - mẹ tôi Đồng Thị Sắc địa chỉ như trên. Xin vĩnh biệt. Chào đồng chí!". Đó là giấy tờ của liệt sĩ Phạm Năng An, quê Ninh Bình.

Có trường hợp trên ảnh chụp bức thư thấm máu, chỉ có manh mối duy nhất là người chiến sĩ tên Minh Tiến gửi Lưu Liên, vậy mà nhờ công tìm kiếm và cả sự trùng hợp kỳ lạ, anh Tiên vẫn tìm được người con gái năm xưa để trao về.

Thế hệ các cháu không quên thế hệ cha ông, làm những việc vô cùng ý nghĩa mà các gia đình liệt sĩ hầu như không làm nổi. Dù chỉ là bản chụp những dòng chữ và ký ức, song đó cũng là cách những người liệt sĩ được trở về đoàn tụ với người thân, hơn nửa thế kỷ sau khi hy sinh.

Hơn 1.000 bài thông tin về các liệt sĩ mà anh Lâm Hồng Tiên đã giải mã trong suốt hơn 10 năm qua hiện có ở trên trang web kyvatkhangchien.com, trong đó nhiều tài liệu có tọa độ có thể là nơi chôn cất hài cốt của các liệt sĩ. Nguồn thông tin này sẽ được tiếp tục được anh Tiên làm phong phú thêm với hy vọng sẽ có càng nhiều thêm liệt sĩ được thực sự trở về với gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước