Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, dự kiến trong tháng 10 này, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công trình xây dựng sẽ họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nếu được Hội đồng chấp thuận, Bộ GTVT sẽ bàn giao tuyến đường sắt đô thị này cho Hà Nội khai thác thương mại.
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo Bộ GTVT, dự án đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử từ tháng 12/2020, bộ đã hoàn thành nghiệm thu. Hồ sơ nghiệm thu đã được Bộ GTVT gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước để kiểm tra, đánh giá và cho ý kiến chấp thuận công tác nghiệm thu dự án.
Tuy nhiên, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.
Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.
Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn vướng mắc liên quan tới công tác thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (thực hiện năm 2018). Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán…
Dù vậy, việc thực hiện kết luận Kiểm toán có những khó khăn nhất định, khi Tổng thầu EPC (nhà thầu nước ngoài được chỉ định trong Hiệp định vay vốn) cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Tổng thầu cũng thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước...
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục. Đồng thời, Bộ GTVT làm việc với cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trên.
Bộ GTVT cũng tiếp tục liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn như: vướng mặt bằng, thiếu quy định về hợp đồng trọn gói (EPC); Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ; các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, đặc biệt khâu thiết kế, dẫn tới phải điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm hơn 9.231 tỷ đồng (từ hơn 8.769 tỷ đồng ban đầu lên hơn 18.001 tỷ đồng).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!