Đường sắt đô thị, kỳ vọng thay đổi thói quen của người dân

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/11/2021 18:37 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ giải quyết bài toán ùn tắc, đường sắt đô thị còn đem theo những hi vọng sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân Thủ đô.

Sau bao nhiêu năm trông đợi, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động. Người dân Thủ đô mong đợi đường sắt đô thị sẽ hoạt động thực sự hiệu quả, là một trong những giải pháp giải quyết những tồn tại của giao thông Hà Nội.

Để di chuyển khoảng 10 km trong nội đô mất 35-40 phút bằng xe máy, hay 60- 70 phút bằng ô tô và nếu tắc đường thì thời gian di chuyển còn nhiều hơn nữa. Thế nhưng, cũng quãng đường đó, nếu sử dụng metro thì chỉ mất khoảng 15-20 phút vào bất kể thời điểm nào trong ngày.

Hà Nội hiện có khoảng 5,7 triệu xe máy và gần 700.000 ô tô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội. Mật độ phương tiện cá nhân cao; ùn tắc thường xuyên xảy ra; ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động… Loại hình đường sắt đô thị được kỳ vọng là sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện giao thông ở Thủ đô.

Mỗi chuyến tàu vận chuyển tới 960 hành khách chỉ mất 13 phút để di chuyển 13km nếu đi thẳng không dừng tại các ga. Năng lực vận tải lên tới 30.000 - 40.000 hành khách/giờ/hướng… Đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận chuyến số lượng lớn, tốc độ cao, tuyến xa… và nó còn là phương tiện lý tưởng đảm bảo giờ giấc, tiết kiệm hao phí xã hội lên đến cả chục nghìn giờ di chuyển trên đường mỗi năm.

Trước tình trạng nhiều người dân thiếu điểm gửi xe để lên tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty Metro Hà Nội phối hợp, đề xuất các vị trí gửi xe tại các ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, để người dân thuận tiện đi lại, TP Hà Nội đã bố trí mạng lưới 54 tuyến bus trợ giá kết nối với tuyến Metro này.

Đường sắt đô thị, kỳ vọng thay đổi thói quen của người dân - Ảnh 1.

Mạng lưới Metro Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050

Với một đại đô thị có số dân lên tới trên chục triệu người như Hà Nội thì hệ thống giao thông công cộng cần phải có các đặc tính: giá thành hợp lý, diện tích chiếm dụng thấp, xả thải ra môi trường thấp, vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh… Việc đầu tư xây dựng mạng lưới hệ thống đường sắt đô thị vô cùng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển chung của cả xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị trong đó, 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm gần 420km, 5 tuyến còn lại kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven đô.

Ngoài Cát Linh - Hà Đông hơn 13km vừa đưa vào vận hành thương mại, TP Hà Nội đang tập trung cao độ cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài hơn 12 km, trong đó có 8,5km đi trên cao dự kiến khai thác vào cuối năm 2022.

Tuyến đường sắt nối từ Hồ Tây đến Hòa Lạc đang được trình Chính phủ xem xét, phấn đấu khởi công trong giai đoạn 2021-2025. TP Hà Nội cũng đang xúc tiến cho các tuyến đường sắt đô thị khác như Ga Hà Nội - Hoàng Mai, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo... Bên cạnh đó, cũng đã có những định hướng sẽ hướng đến xây dựng một ngành công nghiệp Metro khi tiến hành xây dựng Metro số 5 Văn Cao Hà Nội.

Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm. Những kinh nghiệm đúc rút từ quá trình triển khai các dự án như Cát Linh - Hà Đông hay Nhổn - Ga Hà Nội sẽ hỗ trợ tích cực cho thành phố và các cơ quan chức năng trong việc hiện thực hóa hệ thống giao thông công cộng hiện đại của Thủ đô.

Theo nghiên cứu thị trường của Ngân hàng Phát triển châu Á, hơn 90% người dân được hỏi sẵn sàng sử dụng metro Hà Nội. Lý do chủ yếu thu hút người dân sử dụng metro là không lo tắc đường, tiết kiệm thời gian di chuyển. Cũng theo khảo sát, phần đông người dân cũng mong muốn các siêu thị tiện ích, các ATM, cửa hàng ăn nhanh, máy bán hàng tự động bố trí gần khu vực đường sắt trên cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước