Đường vành đai 3 trên cao vẫn chưa có đường lên xuống

Xuân Sơn (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 05/02/2021 22:03 GMT+7

VTV.vn - Điều này được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc và rất bất tiện cho các phương tiện tham gia giao thông.

Được đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng nhưng kể từ khi thông xe vào tháng 10/2020, đường trên cao Vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long dài hơn 5km chỉ chạy thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối do chưa có đường lên xuống kết nối với các tuyến đường bên dưới.

Theo thiết kế, dự án đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Cầu Thăng Long có 6 đường nhánh tạo kết nối thuận lợi về giao thông với các tuyến đường đô thị bên dưới. Các nhánh đường nối này được bố trí tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Đông Ngạc - Khu đô thị Ciputra nhằm giảm ùn tắc, phát huy hiệu quả đầu tư, cùng với giảm lưu lượng xe đi vào khu vực nội đô.

Đường vành đai 3 trên cao vẫn chưa có đường lên xuống - Ảnh 1.

Nhưng tham gia giao thông tại đây kể từ khi cầu Thăng Long được thông xe ngày 7/1, khi đến các điểm kết nối này, nhiều chủ xe chỉ thấy biển báo dán thông báo đường cụt. Toàn bộ 6 nhánh vị trí lên xuống chỉ là dải mặt bằng chờ, đường dẫn xuống chưa có. Để ngăn phương tiện không chạy ra dải mặt bằng chờ có thể xảy ra tai nạn, đơn vị thi công đã dùng các phiến bê tông và cọc sắt chắn ngang.

Để từ cầu vượt Mai Dịch đi Cổ Nhuế, Đông Ngạc hay Khu đô thị Ciputra, nếu lưu thông ở đường trên cao, chủ xe phải vượt cầu Thăng Long sang tận Đông Anh (đi thêm 5 km) mới được phép quay đầu lại. Việc này đã làm cho nhiều phương tiện muốn đi các lộ trình trên đành phải tránh đường trên cao, đi đường bên dưới, dẫn đến tình trạng đường Phạm Hùng bên dưới quá tải nhưng đường trên cao lại ít xe đi lại.

Đường vành đai 3 trên cao vẫn chưa có đường lên xuống - Ảnh 2.

Cũng do Vành đai 3 chưa có đường kết nối với các tuyến đường bên dưới nên lượng phương tiện từ Mai Dịch đi ở đường trên cao đang đổ hết về cầu Thăng Long. Tình trạng này vừa gây quá tải cho cầu Thăng Long vừa xảy ra tình trạng nhiều xe muốn xuống khu vực Đông Ngạc - Khu đô thị Ciputra đã bất chấp biển báo cấm quay đầu ngay đường dẫn lên cầu, gây xung đột, ùn tắc cho cả hai chiều đường.

Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện Chủ đầu tư), Bộ GTVT cho biết, thiết kế dự án có hệ thống đường lên xuống. Tuy nhiên, trong phương án thi công ban đầu, các nhà thầu chỉ tập trung thi công đường chính (cầu cạn) với mong muốn sớm thông đường để phục vụ giao thông.

Đường vành đai 3 trên cao vẫn chưa có đường lên xuống - Ảnh 3.

Cùng với đó, thời điểm lập phương án thi công, phía mặt bằng bên dưới chưa được giải phóng xong nên chưa có không gian để lập phương án thi công đường kết nối lên xuống. Về hệ thống đường kết nối như thiết kế, đến nay, Ban quản lý dự án Thăng Long đã nhận được mặt bằng của 6 nhánh đường kết nối này và đang triển khai thi công theo phương án thi công bổ sung.

Theo kế hoạch, tháng 7/2021, các nhánh đường kết nối này sẽ hoàn thành. Đến thời điểm đó, phương tiện đi ở đường trên cao có thể tiếp cận các nút giao với các tuyến đường bên dưới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước