Dự án có tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 6/1/2020, dài gần 1,5 km, chiều rộng mặt đường từ 33-51 m.
Theo Ban quản lý dự án, công trình vượt tiến độ 2 tháng, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, đồng thời cũng thực hiện giải ngân đạt 100% vốn kế hoạch đã giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành dự án nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. (Ảnh: VGP)
Với nút giao này, xe ô tô đi từ trung tâm thành phố vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ không phải đi vòng để sang tuyến cầu Vĩnh Tuy.
Còn từ cầu Thanh Trì đi về phía quận Long Biên, xe ô tô cũng không phải vòng qua nút giao khu đô thị Ecopark rồi rẽ vào đường Cổ Linh như trước đây, rút ngắn thời gian di chuyển từ 15 - 20 phút.
Toàn cảnh nút giao 400 tỷ mới được khánh thành sáng nay (Ảnh: TTX)
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đây là một trong những công trình trọng điểm của TP. Hà Nội.
Thời gian qua thành phố tập trung chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với UBND quận Long Biên, Gia Lâm, các sở, ngành sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác. Sau 12 tháng thi công, mặc dù gặp nhiều khó khăn, công tác thi công bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, bảo đảm chất lượng, mỹ quan.
Công trình giúp phát huy tối đa hiệu quả của đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, giảm thiểu ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Ảnh: VPG
Việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra vào nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được thuận lợi, an toàn. Ảnh: VPG
Với nút giao này, tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô, nhất là từ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sang đường vành đai 3, nhất là cầu Thanh Trì sẽ được cải thiện đáng kể.
Cũng trong sáng nay, Hà Nội tổ chức khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy-giai đoạn 2. Công trình có thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, gồm 4 làn xe lưu thông, có tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng.
Về quy mô đầu tư, hoàn thiện toàn bộ mặt cắt (với một cây cầu nữa), hình dáng giống như cây cầu giai đoạn 1 (tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m).
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Điểm đầu dự án giao với đường Trần Quang Khải-Nguyễn Khoái-Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao với đường Long Biên-Thạch Bàn thuộc quận Long Biên. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.504m.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!