Food stylist (tạm dịch là người tạo hình món ăn) là công việc bày trí để giúp món ăn hấp dẫn nhất và thực sự đẹp mắt. Để chụp hình ẩm thực, việc chọn nguyên liệu lại có những yêu cầu khác so với việc đi chợ nấu ăn hàng ngày. Thực phẩm không chỉ ngon mà còn phải đẹp như màu sắc đẹp nhất, hình dáng không được sứt sẹo, móp méo.
Với chủ đề mâm cơm Bắc Bộ được lấy cảm hứng từ bếp bà ngoại, food stylist Phương Thảo chọn những đồ decor thật là giản dị, gần gũi bằng tre và gỗ, gốm Bát Tràng.
Nhiệm vụ của food stylist là phối hợp việc chế biến ẩm thực với nghệ thuật sắp đặt để món ăn trông thật đẹp, thật hấp dẫn khi qua ống kính.
Food stylist có thể hiểu đơn giản là làm mọi món ăn trở nên bắt mắt, ngon miệng nhất có thể để máy ảnh ghi lại, tạo ra những hình ảnh thường thấy trên các tờ tạp chí ẩm thực, du lịch hay trên quyển menu của nhà hàng.
Bối cảnh, không gian cugnx phải chọn để phù hợp với việc chụp hình một mâm cơm Việt. Theo nhiếp ảnh gia Vũ Minh Quân, chụp ảnh buổi sáng có lợi hơn vì có ánh sáng tự nhiên, có khối nổi hơn, màu sắc món ăn đẹp hơn.
Để chụp ảnh món ăn đẹp, thực phẩm sẽ chỉ được nấu chín khoảng 60-70%, đặc biệt là rau củ quả, chỉ trần qua để giữ lại màu sắc đẹp nhất.
Một yếu tố nữa của food stylist là phải có kiến thức cơ bản về nấu ăn; khi bày biện cũng phải lưu ý về màu sắc, bát đĩa đựng thức ăn và các đồ decor kèm theo.
Thách thức của công việc này là nguyên liệu/thực phẩm dễ bị hỏng và biến dạng… do nhiệt độ, độ ẩm và đặc biệt là thời gian kéo dài khi chụp hình. Chính vì vậy, người tạo hình món ăn còn phải biết các kỹ thuật để giữ cho màu sắc hay là hình dạng của món ăn không thay đổi trước khi buổi chụp hình kết thúc.
Có rất nhiều yếu tố quyết định sự thành công của một bức hình ẩm thực. Không chỉ là nguyên liệu, đạo cụ, sự sáng tạo còn là sự phối hợp ăn ý của người tạo hình món ăn và người chụp hình.
Với food stylist, màu sắc là điều quan trọng nhất và sự hấp dẫn của món ăn. Còn về bố cục phải làm toát lên vẻ đẹp của món ăn. Nó phụ thuộc vào mục đích của khách hàng như in tạp chí, quảng cáo hay menu nhà hàng.
Khi món ăn có hồn cốt nhìn sẽ hấp dẫn hơn, tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, nhiều khi người stylist chưa nắm bắt được cái hồn cốt ấy ngay từ lần chụp đầu tiên nên sẽ phải làm đi làm lại.
Việc tạo hình nghệ thuật cho ẩm thực không chỉ dừng lại ở những bức ảnh mà còn là những đoạn video được sử dụng kỹ xảo điện ảnh. Quay TVC, quay video sẽ khó khăn hơn việc chụp ảnh vì food stylist sẽ phải kết hợp với các bạn diễn theo từng phân cảnh sẽ có kịch bản riêng, phức tạp hơn rất nhiều.
Qua những bức ảnh và clip sinh động, ẩm thực truyền thống Việt Nam được quảng bá ra khắp thế giới trong một phong cách mới lạ đầy nghệ thuật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!