Giảm hỗ trợ sau khi lên nông thôn mới

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 21/03/2023 23:26 GMT+7

VTV.vn - Ở những vùng sâu, vùng xa, việc lên nông thôn mới cũng đồng nghĩa với cắt giảm một số chế độ hỗ trợ với một bộ phận người dân.

Nhà mà như căn lều tạm, gia đình chị Triệu Thị Xui thuộc diện nghèo nhất xã Viễn Sơn, Văn Yên, Yên Bái. Chồng về Hà Nội tìm việc làm, chị ở nhà làm ruộng nuôi 2 con. Con lớn học mẫu giáo được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền học nhưng em học nhà trẻ thì không có chế độ gì cả, mỗi tháng đóng 300 nghìn. Nể cô giáo đến vận động nhiều lần, chị mới cho con đi học.

Hiện cậu con trai lớn được nhà nước hỗ trợ mà chị còn khó khăn như vậy. Sắp tới, thôn của chị lên nông thôn mới, việc đến trường của những đứa trẻ sẽ còn khó hơn vì không được hưởng ưu tiên nữa. Chị lại vừa mới biết, mình đã mang thai đứa thứ 3.

Điểm trường mầm non Viễn Sơn ở thôn Tháp Cái hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn.

Khi vẫn còn nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh được nhà nước:

- Miễn, giảm học phí

- Hỗ trợ chi phí học tập

- Hỗ trợ tiền ăn trưa

Các giáo viên lo lắng, sau khi cắt giảm chế độ hỗ trợ, tỷ lệ học sinh đến trường sẽ bị ảnh hưởng. Bởi bây giờ đang được hưởng chính sách mà nhiều phụ huynh còn không đảm bảo đóng các khoản cho con đi học.

Học sinh bị tác động, giáo viên cũng bị ảnh hưởng. Giáo viên bị cắt giảm các khoản thu hút, trợ cấp từ 3-6 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, những vùng này vẫn đang thiếu giáo viên mà tuyển thì còn chẳng có mấy người đăng ký.

Nhưng trước mắt, các cô giáo vẫn phải đi vận động phụ huynh cho con đến trường. Dù vậy, chưa biết phụ huynh sẽ cho con nghỉ học lúc nào.

Đảm bảo trẻ được đến trường

Trường mầm non Viễn Sơn được nhà nước đầu tư xây dựng, khi xã lên nông thôn mới. Gần 2 năm nay, hơn 300 trẻ em của xã được học trong cơ ngơi khang trang này.

Chính quyền và ngành giáo dục tìm nhiều cách tuyên truyền để giúp người dân hiểu: khi lên nông thôn mới, học sinh không được trợ cấp như trước, nhưng môi trường học tập chất lượng hơn.

Vợ chồng anh Triệu Văn Tuân (xã Viễn Sơn, Văn Yên, Yên Bái) giờ mỗi tháng đóng hơn 400 tiền ăn, tiền học cho con.

Có trường học khang trang, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện dạy học, giáo viên mới có thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho trẻ.

Nhưng trong trường vẫn còn 16% học sinh thuộc hộ nghèo. Và trên toàn huyện Văn Yên, trong giai đoạn 2022 - 2025, sau khi lên nông thôn mới: Số lượt học sinh thôi hưởng chế độ là 11.320. Kinh phí cắt giảm: 10 tỷ đồng. Vì thế, ngoài việc tuyên truyền, huyện đã chủ động các giải pháp hỗ trợ đối tượng bị tác động; trong đó đặc biệt quan tâm tới các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ mồ côi.

Hỗ trợ kịp thời những đối tượng khó khăn để đảm bảo không bị đứt quãng việc đến trường. Chuyển ngân sách về những nơi thiếu thốn hơn để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Những người dân ở xã Viễn Sơn đã nhìn thấy rõ những tích cực khi lên nông thôn mới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước