Liên tục ra quân lập lại trật tự vỉa hè, rất nhiều chiến dịch, rất nhiều nỗ lực, nhưng diện mạo đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có nhiều thay đổi hàng chục năm qua. Mới đây, cả 2 thành phố này đều khởi động đề án thu phí vỉa hè như một giải pháp hài hòa lợi ích lâu dài. Liệu có khả thi hay không? Ứng xử với vỉa hè, cần cách tiếp cận ra sao?
Vỉa hè đóng vai trò rất đặc biệt đối với người dân thành thị ở Việt Nam. Vỉa hè đô thị vừa là không gian sinh kế, vừa là không gian cộng đồng. Những vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ không còn chỗ mà đi, hàng rong, giữ xe, quán xá đua nhau mọc lên chiếm dụng vỉa hè tạo nên bức tranh nhếch nhác cho các đô thị.
Cảnh kinh doanh buôn bán trên vỉa hè thường thấy ở nhiều tuyến phố tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, vỉa hè lại cũng là nơi nuôi sống tới 11 triệu lao động, tương đương 24% lao động cả nước. Vì thế từ nhiều năm qua, bài toán quản lý vỉa hè vẫn loay hoay chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Từ giữa tháng 2 đến nay, Thủ đô Hà Nội tiếp tục khởi động chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè. Sau gần 3 tháng triển khai đã có 1 số chuyển biến trên các tuyến phố.
Cụ thể, trong 1 tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, từ 1/3 đến 31/3, Hà Nội đã xử lý hơn 7.500 trường hợp vi phạm, tăng gần 90% so với tháng 2. Trong đó, các quận có số trường hợp vi phạm cao là Hoàng Mai, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tình hình trật tự đô thị đã có phần chuyển biến tích cực sau đợt cao điểm, đặc biệt tại 12 quận nội thành. Kế hoạch đã bước vào giai đoạn 3, giai đoạn duy trì kết quả đạt được. Đây cũng là giai đoạn nhiều thách thức nhất, các vi phạm liên tục tái phạm khi vắng bóng lực lượng chức năng. Nguyên nhân là do vỉa hè đang gắn liền với lợi ích kinh tế của một bộ phận người dân. Hạ tầng giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe của người dân, khiến vỉa hè bị chiếm dụng thành hàng trăm bãi trông giữ xe trái phép. Và hiện thành phố vẫn chưa thể đưa ra giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm bài toán trật tự đô thị.
10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ". Với 4 lần trước, chỉ sau một thời gian thực hiện, các kế hoạch trên đã nhanh chóng rơi vào cảnh "ném đá ao bèo", "đầu voi đuôi chuột". Tình cảnh tại TP Hồ Chí Minh cũng tương tự như vậy.
Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về đóng góp của kinh tế vỉa hè, nhưng năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động kinh doanh của các hộ cá thể trên vỉa hè chiếm 11-13% GDP. Vì thế, bên cạnh việc ra quân lập lại trật tự, đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè đã được Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất từ năm 2017, nhưng mới dừng ở mức thí điểm. Năm 2022, Hà Nội cũng bắt đầu thí điểm cho thuê vỉa hè ở quận Hoàn Kiếm, quá trình triển khai gặp nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều.
Phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội là một trong 5 tuyến phố được Hà Nội thí điểm thực hiện cho thuê vỉa hè từ hơn một năm trước. Giá thuê lúc đó là 45.000 đồng/m2 một tháng. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, việc cho thuê vỉa hè sẽ giúp bộ mặt hè phố đẹp đẽ hơn và có thêm nguồn thu chỉnh trang hè phố.
Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ. Tuy nhiên, một số người dân lại không đồng tình. Các ý kiến lo ngại cho rằng vỉa hè theo luật, theo đúng chức năng là dành cho người đi bộ. Việc cho thuê vỉa hè sẽ gây ra nhiều vấn đề khác như gây ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị.
Thái Lan, Singapore giành lại vỉa hè cho người đi bộ ra sao?
Nhìn ra thế giới, giành lại không gian vỉa hè cho người đi bộ cũng là điều mà một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Singapore đang phải đối mặt. Để quản lý vỉa hè, Singapore đã có khu chợ và các khu ăn uống dành cho người bán hàng rong từ hàng chục năm nay. Còn chính quyền thành phố Bangkok đang thực hiện nhiều chiến dịch quy hoạch lại các quầy bán hàng rong trên vỉa hè.
Nhưng công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không phải là chuyện dễ dàng. Chính quyền Bangkok thậm chí còn xác định đây là nhiệm vụ bất khả thi bởi 40% số người dân của thành phố này sống nhờ vào hàng rong và đa số họ là người nghèo.
Trong nỗ lực mới nhất, cơ quan quản lý đô thị Bangkok đã và đang phối hợp với các khu vực công, tư để cung cấp khoảng không gian cố định cho người bán hàng rong tại các khu vực có nhu cầu ăn uống hay các trung tâm thương mại.
Singapore cũng đã từng gặp phải vấn đề tương tự.
Vào thập niên 50, để thay đổi thực trạng đó, chính quyền Singapore đã bắt đầu xây dựng chợ và các khu ăn uống dành cho người bán hàng rong. Chính quyền cũng tính đến việc tái bố trí người bán hàng rong về khu vực gần với điểm buôn bán cũ, giúp họ giải tỏa tâm lý lo ngại mất khách quen.
Dù vậy, Singapore đã mất 20 đến 30 năm mới đạt được kết quả như hiện nay.
Cho thuê vỉa hè không còn là chuyện mới mẻ trên thế giới, đó cũng là giải pháp hợp lý với một nền kinh tế có hàng chục triệu lao động tìm sinh kế từ vỉa hè như ở Việt Nam. Nhưng cho thuê ở những nơi nào, giá cả ra sao, cách thu sao cho công bằng, minh bạch, số tiền thu được sử dụng sao đúng mục đích, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên… cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Điều quan trọng nhất, vỉa hè cho thuê nhưng không làm cản trở người bộ hành, nếu người bộ hành phải xuống lòng đường, coi như chính sách thất bại.
Cùng trò chuyện về vấn đề này với KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!