Ghi nhận tại hiện trường của vụ phá rừng thông được xem là lớn nhất từ trước tới nay tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cả một vạt rừng thông rộng lớn đã bị triệt hạ. Cánh rừng thông bị triệt hạ phát hiện gần đây nhất là Tiểu khu 144B, thuộc phường 8, thành phố Đà Lạt do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Hơn 300 cây thông ba lá đường kính từ 20-50 cm bị cắt tận gốc, ngoài ra, còn có hàng trăm cây thông khác bị chết đứng do ken gốc hoặc đầu độc. Câu hỏi đặt ra, rừng giữa lòng thành phố Đà Lạt và rừng có chủ bị phá trắng như vậy nhưng vì sao cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời?
Còn tại hiện trường của vụ phá rừng tại Tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, ngoài thông hàng chục năm tuổi bị cưa hạ, nhiều loại cây rừng nguyên sinh khác cũng bị triệt hạ rồi san ủi bật gốc. Chủ khu vực rừng bị tàn phá là Công ty tư nhân Anh Hải. Công ty này được giao đất giao rừng để thực hiện dự án trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi dưới tán rừng.
Điều đáng nói, trước khi xảy ra vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, cơ quan chức năng đã nhận thấy dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp Anh Hải nên có chủ trương chấm dứt đầu tư. Nhưng từ chủ trương đến quyết định thu hồi dự án là một quá trình dài. Chính sự lơ là của chủ rừng và thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng mà rừng bị xâm hại đến mức không thể tái sinh.
Thống kê của tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 223 ha, đã thu hồi 208 dự án với tổng diện tích hơn 30.000 ha do chậm tiến độ hoặc mất đất, mất rừng. Như vậy, rừng tự nhiên được giao cho cá nhân, doanh nghiệp hay rừng thuộc Nhà nước quản lý cũng đều xảy ra tình trạng mất đất, mất rừng.
Sau các vụ phá rừng được dư luận phản ánh, tỉnh Lâm Đồng đều chỉ đạo điều tra, xử lý trong đó, có gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Cũng cần phải nhắc lại, cách đây khoảng 1 năm, tại buổi lễ phát động chiến dịch trồng 50 triệu cây xanh, người đứng đầu chính quyền tỉnh này đã khẳng định:
"Chúng tôi áp dụng nhiều giải pháp và lần đầu tiên chúng tôi đình chỉ 4 đồng chí trưởng ban quản lý bảo vệ rừng trong thời gian vừa qua là chưa làm tốt công việc của mình. Trong thời gian tới với nhiều giải pháp, chúng tôi cam kết việc xâm hại rừng và phá rừng trong thời gian tới sẽ không diễn ra nữa", ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.
Cam kết của người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng là không để xảy ra tình trạng phá rừng nữa. Thực tế, từ đầu năm đến nay, tỉnh Lâm Đồng phát hiện đến 132 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại 22,5 ha, tăng 5 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chỉ là con số bề nổi, còn những vụ việc chưa được thống kê sẽ còn lớn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!