Để tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bảo vệ sức khỏe..., ngày càng có nhiều người dân Thủ đô quyết định di chuyển bằng tàu điện trên cao. Ước tính loại phương tiện này phục vụ khoảng hơn 32.000 lượt khách mỗi ngày. Nhưng những phương tiện công cộng khác lại chưa thực sự hấp dẫn dù được bố trí ngay cạnh các nhà ga thuộc tuyến metro, điển hình như xe bus.
Tại Hà Nội, xe bus mới chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu đi lại. Thiếu tính kết nối giữa các phương tiện công cộng là lý do khiến xu hướng ''giao thông xanh'' chưa thực sự phát triển tại các đô thị lớn.
Chẳng tuyến tàu nào đưa thẳng đến cơ quan nên nhiều người dân phải tìm cách đi từ ga đến nơi làm việc. Bị phụ thuộc, họ không ít lần rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Không phải muốn là sẽ được di chuyển toàn bộ bằng phương tiện công cộng đến chỗ làm. Nhiều lý do khiến người dân không mặn mà với sự liên kết này.
Vì tiện nên lưu lượng phương tiện cá nhân tại Thủ đô luôn ở mức cao. Theo các chuyên gia, để thay đổi thói quen của người dân và phương tiện công cộng phát huy tối đa hiệu quả. Cần kết nối đa loại hình, một vé cho tất cả phương tiện.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: "Tất cả đường sắt đô thị trên thế giới đều thành công nếu như kết nối được. Thậm chí, người ta kết nối bằng các trung tâm thương mại, kết nối bằng khu dân cư, kết nối bằng các điểm tập kết. Chứ nếu một mình nó hoạt động thì thất bại là chực chờ".
Giao thông đô thị luôn được coi là bài toán khó và việc kết nối đa loại hình giao thông công cộng được kỳ vọng là lời giải cụ thể để hướng đến "giao thông xanh" - xu thế tất yếu trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!