Mặc dù thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải công cộng tại thủ đô. Tuy nhiên, việc kết nối các tuyến giao thông công cộng đang được chú trọng tăng cường hơn, để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng như xe bus, đường sắt và cả xe đạp công cộng.
Là sinh viên đang học tại Hà Nội, xe bus đã trở thành phương tiện chính để Quỳnh di chuyển trong khu vực nội đô. Không phải lo lắng mỗi khi di chuyển thời điểm tắc đường, cùng với đó là chất lượng dịch vụ công cộng cũng khá nhưng Quỳnh vẫn gặp không ít bất tiện khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng di chuyển hàng ngày.
Trước đây, xe bus là phương tiện giao thông công cộng chính để di chuyển trong thành phố. Tuy nhiên, loại hình này chỉ thu hút chưa tới 10% nhu cầu sử dụng của người dân đô thị.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TTXVN
Cuối năm 2021, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, kết nối với đường sắt đô thị là hơn 60 vị trí điểm dừng xe bus dọc lộ trình tuyến, với khoảng cách giữa các điểm dừng chỉ khoảng 400m, đã nâng tính kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội.
Không chỉ tăng kết nối giữa xe bus và đường sắt đô thị, xe đạp công cộng cũng đang được nghiên cứu triển khai tại Hà Nội. Loại hình này hứa hẹn là một phương thức kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng, qua đó thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân.
Xe đạp công cộng hứa hẹn là một phương thức kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng.
Tăng cường tính kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng cùng với đa dạng hóa phương tiện công cộng là một trong những giải pháp giúp thu hút người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng, từ đó, từng bước kéo giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!