Nói theo một cách có phần dân dã, 12/7/2020 có lẽ nên được coi là ngày "hắt hơi tập thể" của cơ man những minh tinh, cầu thủ, ca sĩ… nổi tiếng hàng đầu thế giới. Nguyên nhân có lẽ chỉ người dùng mạng xã hội Việt Nam hiểu rõ nhất.
Câu chuyện râm ran trong ngày hôm nay là sự lan truyền thông tin cho rằng từ ngày 16/7/2020, khi Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thì giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới.
Cư dân mạng hoang mang thì ít mà thích thú chia sẻ thông tin này thì nhiều. Mà chẳng ai đánh thuế giấc mơ cả nên những Justin Bieber, C.Ronaldo, David Beckham, Bradley Copper, Emma Watson, Natalie Portman, Keira Knightley… bỗng vô tình trở thành "ý trung nhân" mà một thanh niên Việt Nam bất kỳ muốn ghi vào giấy xác nhận độc thân cũng không phải điều gì quá bất ngờ trong ngày này.
Cách đây chưa lâu, Quyết định 588/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành vào ngày 28/4 cũng từng một phen "gây bão" cộng đồng mạng vì những cách hiểu chưa đúng cho rằng, kết hôn quá muộn hoặc không muốn kết hôn sẽ bị xử phạt. Thực tế, Quyết định 588/QĐ-TTg không quy định xử phạt với trường hợp kết hôn quá muộn, không muốn kết hôn mà chỉ dừng lại ở việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi.
Trở lại với câu chuyện xảy ra ngày hôm nay, không dám chắc đã có ai kiểm chứng thông tin hay không nhưng "cứ vui đã" âu cũng trở thành tâm lý chung của bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội Việt Nam. Vì suy cho cùng, thao tác Like hay Share kèm vài dòng chú thích, ở một quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu thế giới như Việt Nam, không thể chậm hơn việc tìm đọc những thông tin quy định cụ thể về Quyết định, Thông tư… được. Và quan trọng nhất là nó VUI.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Chúng ta có được quyền tin vào bất cứ điều gì chúng ta muốn hay không? Câu trả lời là có và không. Chúng ta thừa nhận quyền được biết. Chúng ta có quyền biết các điều khoản hợp đồng lao động trước khi đặt bút ký vào những "tờ giấy A4", biết chẩn đoán của bác sĩ về tình trạng sức khỏe, biết tên người tố cáo chúng ta và lý do vì sao chúng ta phải hầu tòa…
Nhưng niềm tin cũng không phải là tri thức. Niềm tin hiểu nôm na là những điều mà chúng ta cho rằng đúng. Niềm tin được dựa trên sự thật nhưng nó không thể thay thế cho sự thật. Niềm tin có thể sai, có thể đi ngược lại với những bằng chứng được bồi đắp bởi lý luận, giống như việc "trời đang nắng nhưng tôi cứ tin rằng trời đang mưa" vậy. Nói cách khác, niềm tin trong ví dụ trên đây chỉ là thứ mang giá trị tinh thần.
Một nửa cái bánh mì là cái bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì...
Tin vào việc giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới và rằng "muốn ghi tên ai vào cũng được" - có thể xem là trò đùa vui, nhưng nó chỉ vui khi mọi thứ giới hạn trong những cuộc tán gẫu bạn bè. Trong một thế giới mà sự phát triển của mạng xã hội không thể tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày, ranh giới giữa "vui thôi" và những tác động không tốt đến xã hội từ thông tin xấu độc, sai sự thật quả thực rất mong manh.
Hãy thử tưởng tượng, khi hàng nghìn người hoặc nhiều hơn nữa có cách hiểu sai lệch về Thông tư 04/2020/TT-BTP, sẽ là bao nhiêu giờ đồng hồ, bao nhiêu công sức của các đơn vị hành chính phải bỏ ra để giải thích cho người dân về những quy định đã có cụ thể và chẳng hề vô lý trong luật định? Điều đó vô hình tác động không tốt đến chính sự ổn định xã hội này.
Vui thì vui mà không vui thì vui ư? - Câu trả lời nằm ở trách nhiệm của mỗi người dùng mạng xã hội.
Thực hư thông tin Giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới
Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định cụ thể, việc ghi thông tin người dự định kết hôn chỉ bắt buộc đối với trường hợp giấy xác nhận độc thân DÙNG ĐỂ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN.
Những trường hợp dùng cho mục đích khác như mua bán nhà, bổ túc hồ sơ xin việc, thủ tục thừa kế… thì không phải ghi những thông tin này. Thậm chí, không phải bất cứ trường hợp nào khi yêu cầu xác nhận tình trạng độc thân, cũng phải bắt buộc ghi tên người dự định cưới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!